Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020

Vì sao "đánh" mạnh, nhưng vẫn diễn biến phức tạp?

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:17 - Chia sẻ
Không chỉ tác động đến kinh tế - xã hội, đại dịch Covid-19 còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Theo nhận định của nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có những tội phạm mới liên quan đến xuất, nhập cảnh, trục lợi trong mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19. Một số vấn đề phát sinh như tín dụng đen, băng đảng tội phạm, bán hàng đa cấp. Tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy cũng rất nghiêm trọng, gian lận thương mại còn phổ biến… Do vậy, rất cần đánh giá rõ, đúng tình hình.
Ảnh: Q. Khánh

"Trong công tác thi hành án cũng có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2019, nhưng vẫn còn tỷ lệ án có điều kiện thi hành chưa thi hành được theo đúng quy định. Riêng án tham nhũng, án kinh tế, do có chỉ đạo quyết liệt, nên tỷ lệ thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng và do tham nhũng mà có năm 2020 đã tăng, tiến bộ hơn so với những năm trước.

Nhưng tỷ lệ thi hành án dân sự, án hành chính vẫn còn rất thấp, có những vụ kéo dài không phải từ năm 2019 mà cả những năm trước đây. Đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ địa chỉ, đưa vào phần phụ lục xem ở tỉnh nào, ai, cơ quan nào, từ đó sẽ tác động răn đe, cảnh báo. Chúng ta nói chung chung thế này thì không biết nơi nào cả, mà án hành chính là quyết định hành chính đối với hành vi hành chính trái pháp luật do cơ quan nhà nước thực hiện - tôi nghĩ nên rõ địa chỉ".

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Đại dịch Covid-19 làm phát sinh tội phạm mới

Nhận định về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2020, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác này, đồng thời tích cực bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội.

Cũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ cho rằng, dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt an ninh, trật tự, trong đó có cả tội phạm và vi phạm pháp luật. Cơ bản đồng tình với nhận định này, nhưng điều khiến một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn là chúng ta chưa làm rõ những tác động đó ảnh hưởng đến những loại tội phạm nào, những loại vi phạm pháp luật nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Quang Khánh

Nhắc lại câu chuyện về quản lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề: Sau 99 ngày đợt dịch Covid-19 thứ nhất, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình, không còn lây lan trong cộng đồng, nhưng đến ngày thứ 100 thì dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân được dư luận chỉ ra là do công tác quản lý người nước ngoài, cho nhập cảnh trái phép đã làm lây lan dịch bệnh (?). Chúng ta rất cần phân tích yếu tố này, bởi lẽ trong phiên thảo luận về công tác tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm đến nguyên nhân dịch bệnh tái bùng phát, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nói.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng làm phát sinh loại tội phạm mới là trục lợi mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh, "chỗ này, chỗ kia cũng có chuyện quy trình, thủ tục không bảo đảm, đặc biệt là giá mua sắm thiết bị vượt lên rất nhiều so với giá bình thường của thiết bị, vừa rồi, chúng ta đã có xử lý. Nhưng trong báo cáo của Chính phủ phải chỉ ra chỗ nào đúng, chỗ nào sai và xử lý của chúng ta đối với các đối tượng trục lợi chính sách, để cử tri và nhân dân thấy được việc xử lý thời gian qua là rất nghiêm minh".

Một vấn đề khác nổi lên trong công tác phòng, chống tội phạm là tội phạm lợi dụng mạng xã hội, internet, công nghệ thông tin để phạm tội, tình trạng tín dụng đen, hình thành các băng đảng tội phạm hay việc buôn bán hàng đa cấp… đang xảy ra ở nhiều địa phương. Đặc biệt là tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy rất nghiêm trọng, dù chúng ta đấu tranh quyết liệt, phá được nhiều vụ án lớn, chưa từng có, nhưng số lượng tội phạm về ma túy, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, vi phạm các quy định về gian lận thương mại vẫn khá phổ biến. Tệ nạn cờ bạc dù được ngành công an, cơ quan chức năng đưa ra xét xử nhưng vẫn còn những vụ án đánh bạc qua mạng rất lớn. Dẫn ra những ví dụ này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị đánh giá thật rõ và đúng tình hình: Tại sao lại có những vấn đề như vậy? "Chúng ta đánh mạnh, kiên quyết nhưng tình hình tội phạm vì sao diễn ra phức tạp như thế?".

Năm nào cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật?

Một điểm đáng lưu ý là nội dung các báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng qua đều khá giống nhau - cùng đưa ra nguyên nhân “hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ”, có nơi là “công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chậm”...  Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, báo cáo của các cơ quan tư pháp cho rằng "mảng yếu nhất" là cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật, thì ngành tư pháp nên "rà soát lại". Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn. "Chúng ta đi một đoạn đường rất dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hệ thống pháp luật Việt Nam. Hôm nay chúng ta nêu lại, đến năm 2021 có khi cũng nguyên nhân đó, như thế là không thấy được sự tiến bộ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Q. Khánh

Cùng liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật, trong phần giải pháp, kiến nghị, các báo cáo cơ bản đều đề nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, từ cơ chế, chính sách để phòng, chống tham nhũng đến phòng, chống vi phạm pháp luật. Khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các kiến nghị này, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các cơ quan phải nêu rõ, quy định nào, văn bản nào cần ban hành mới, quy định nào cần phải sửa đổi, bổ sung. Vì thực tế, các cơ quan còn đang "mắc nhau" không thống nhất về một số quy định của pháp luật hình sự. Ví dụ, xác định thời điểm để tính thiệt hại do hành vi phạm tội mà tội phạm gây ra từ lúc thực hiện hành vi phạm tội, hay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can (?).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các cơ quan tiến hành tố tụng phải "ngồi lại với nhau". Vấn đề gì cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích cũng phải rất cụ thể, tránh câu chuyện, "năm nào cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách - nói chung chung, cuối cùng xong kỳ họp, chúng ta lại quên mất", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Anh Thảo