Vi phạm quyền sở hữu tại các trường ĐH Hồn nhiên sao chép

- Thứ Năm, 09/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nạn sao chép tài liệu, luận văn… đã khiến trường đại học (ĐH) - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa nhiều về số lượng vừa phức tạp về tính chất. Các vụ xâm phạm quyền tác giả (luộc sách) khi biên soạn giáo trình, luận văn... tại không ít trường ĐH cũng như khiếu kiện liên quan tới nhãn hiệu, tên gọi của trường đã gây bức xúc trong giới khoa học và dư luận xã hội...

04-hon-nhien-34310-300.jpg

Trong mùa tuyển sinh 2010, ĐH Đông Á có trụ sở tại 63 Lê Văn Long, TP Đà Nẵng đã gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ VN và ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) khiếu nại việc bị vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Đông Á mà trường đã đăng ký từ năm 2005. Theo đó, nhãn hiệu “Đại học Đông Á” của trường đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 115620, theo quyết định số 25979/QĐ-SHTT ngày 8.12.2008 (ngày nộp đơn 26.9.2005, số đơn 4-2005-12548). Sự việc càng thê thảm khi QĐ số 3202/QĐ-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 3.8.2010 về việc ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh). Do tên trùng nhau nên đã có nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra cũng như gây một số xáo trộn không đáng có đối với ĐH Đông Á Đà Nẵng, nhất là thời điểm đang diễn ra kỳ xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 của đợt tuyển sinh năm 2010.

Câu chuyện này không phải là duy nhất. Trước đây, ĐHDL Công nghệ Sài Gòn cũng đã lấy trọn vẹn tên của ĐH Sài Gòn (là trường công lập) làm nhãn hiệu Đại học Sài Gòn. Trong trường hợp có sự cố xảy ra tương tự hoặc có sự tranh chấp nào đó nảy sinh thì việc khiếu kiện giữa hai trường là đương nhiên, có điều trong trường hợp này thì ĐHDL Công nghệ Sài Gòn tuy sinh sau nhưng đã là chủ sở hữu nhãn hiệu Đại học Sài Gòn, số bằng 78863, cấp ngày 25.1.2007.

Thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ năm 2005, thế nhưng vẫn chưa được giáo viên cũng như sinh viên tại các trường ĐH hiểu một cặn kẽ, thấu đáo. Theo Ts Lê Văn Hưng, khoa Luật kinh tế, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhiều giảng viên sao chép tài liệu của người khác nhưng không dẫn nguồn. Hành vi đó đã trở thành một thói quen tồn tại nhiều năm. Giảng viên sử dụng lâu dần trở thành tài sản của mình cho đến khi xảy ra chuyện mới giật mình thì sự đã rồi. Đơn cử như cuối tháng 4.2010, nhóm tác giả đứng tên chủ biên 2 cuốn sách Tài chính quốc tế và Nguyên lý thực hành bảo hiểm bị tố đạo sách đã phải nhận quyết định kỷ luật khiển trách của ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, do sử dụng tài liệu biên soạn giáo trình không được sự đồng ý của tác giả.

Tình trạng đạo văn trong hàng loạt tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án hiện nay cũng đang gây bức xúc trong xã hội. Tại đường Trần Đại Nghĩa - đoạn gần khu vực ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bạn có thể mua một bộ tiểu luận 15 - 30 trang đã được in ra giấy chỉ có giá 500đ/trang, còn nếu mua file cóp ra cổng chứa dữ liệu USB thì chỉ phải trả 10.000đ/bộ; còn đối với file khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp cóp trực tiếp vào USB thì giá tăng lên 30.000 - 40.000đ (với số trang dao động từ 70-120 trang/bộ). Tuy nhiên, việc phát hiện sao chép rất khó. Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên càng khó hơn vì nhiều đề tài lặp đi lặp lại và số lượng sinh viên làm khóa luận mỗi năm rất đông.

Sinh viên cần phải học về đạo đức nghiên cứu khoa học khi bước chân vào giảng đường ĐH. Theo Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Trương Thùy Trang, việc giảng dạy, nghiên cứu trong trường ĐH nhằm mục đích chủ yếu cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội. Nguồn nhân lực này không chỉ thành thạo kỹ năng và có hiểu biết mà còn phải có phẩm chất đạo đức. Cho nên cần nhận thức rằng cái gì sử dụng của người khác thì phải xin phép, có như vậy đạo đức nghề nghiệp mới được gìn giữ. Các trường ĐH cần xây dựng quy chế quản lý sở hữu trí tuệ. Quy chế bao gồm các quy định về quyền sở hữu, ưu tiên bảo mật, về tổ chức khai thác thương mại, về phân chia lợi ích và các thủ tục... Bên cạnh đó, cần hình thành đầu mối chuyên trách theo dõi, giám sát và triển khai các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, kịp thời xử lý những xung đột liên quan đến sở hữu trí tuệ trong trường ĐH...

Nhằm hạn chế tình trạng sao chép, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã đề ra biện pháp đối phó bằng cách không công nhận tốt nghiệp đối với những sinh viên được xác định sao chép đến 70% luận văn của người khác. Trường hợp này khi bị phát hiện sẽ bị buộc thực tập lại và phải thi tốt nghiệp ở khóa sau. Còn tại ĐH Kiến trúc Hà Nội, thời gian gần đây, trường đã kiên quyết không cho sinh viên mượn luận văn, đồ án về nhà để tránh sao chép. Khi bảo vệ luận văn, nếu phát hiện có sao chép, sinh viên sẽ không được tốt nghiệp.

Minh Hiếu