Thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội về phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản

Vì nhu cầu thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:11 - Chia sẻ
Bộ Y tế cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội vì đây là nhu cầu thiết thực của đồng bàn dân tộc thiểu số và miền núi ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc với Bộ Y tế vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có thêm giải pháp đẩy mạnh phát triển y tế thôn, bản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho đội ngũ y tế thôn, bản, trong đó có Quyết định số 75 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 34 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu
Ảnh: H. Ngọc

Nhiều kết quả rất tích cực

Nếu như trước đây, mạng lưới y tế thôn, bản của nước ta còn mỏng và yếu, cả về số lượng và chất lượng thì giai đoạn 2015 - 2020, với việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 113/2015/QH13 về “Phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới”, chúng ta đã đạt nhiều kết quả rất tích cực. Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều dự án liên quan đến phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản. 

Nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, thành tựu nổi bật phải kể đến là phát triển mạng lưới Cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số. Họ chính là những nhân viên y tế thôn, bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ở thôn, bản có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, như không đến khám thai, không sinh đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ khi đội ngũ Cô đỡ thôn, bản đi vào hoạt động đã được các già làng, trưởng bản đánh giá cao, được đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, chấp nhận, giúp phát hiện sớm các trường hợp thai nguy cơ và chuyển tuyến kịp thời, xử trí hiệu quả các trường hợp đẻ tại nhà. Hiện cũng chưa ghi nhận trường hợp tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh nào có liên quan đến hoạt động của mạng lưới Cô đỡ thôn, bản. Tỷ lệ thôn, ấp của xã, thị trấn có nhân viên y tế hoạt động tăng, đạt 97,5% năm 2014 và đạt 99,0% vào năm 2016.

Đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, nhân viên y tế thôn, bản có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế. Đội ngũ này chính là cánh tay nối dài để ngành y tế thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng, phát hiện sớm tình hình dịch bệnh và tham gia các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các thôn, bản, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Phải thống nhất về cơ chế, chính sách 

Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu ghi nhận, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động trong triển khai yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 113 của Quốc hội. Tuy nhiên, điều khiến ông băn khoăn là đến nay, chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản vẫn chưa thống nhất. Bằng chứng là Quyết định số 75/2009/QĐ - TTg ngày 11.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản mới chỉ đề cập đến cấp xã còn cấp thị trấn và phường lại không được thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không tham gia hoạt động vì không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng mà do địa phương tự cân đối, chi trả, phụ cấp. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2019/NĐ - CP ngày 24.4.2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, Nghị định số 34 đang "phủ nhận" Quyết định số 75, khi quy định “người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận”. Các đối tượng y tế thôn, bản được hưởng theo chế độ bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác “nếu có” - nghĩa là “có làm thì mới có bồi dưỡng, không làm thì thôi”. Như vậy là không hợp lý, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh. Nhiều địa phương cũng phản ánh tình trạng đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản bỏ việc khá nhiều vì những bất hợp lý này, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở cơ sở hiện nay.

Bộ Y tế đã nhận thấy những hạn chế này và cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sớm rà soát, đề xuất chính sách, chế độ phù hợp để duy trì, ổn định và phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản trong mạng lưới y tế cơ sở, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, Bộ Y tế cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 113 của Quốc hội vì đây là nhu cầu thiết thực đối với đồng bào, nhân dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, nhất là trong bối cảnh dịch vụ y tế ở những địa bàn này còn nhiều hạn chế như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần sớm chỉ đạo các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh các giải pháp phát triển y tế thôn, bản. Muốn vậy, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách cho đội ngũ y tế thôn bản, trong đó có Quyết định số 75 của Thủ tướng về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và Nghị định số 34 nêu trên về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhằm tạo cơ chế, chính sách tập trung, thực hiện thống nhất trên cả nước.

Nâng cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải bắt đầu từ đội ngũ y tế thôn, bản. Chế độ, chính sách có bảo đảm thì đội ngũ này mới yên tâm gắn bó với nghề. Phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển đội ngũ y tế thôn, bản để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Có như vậy, những chính sách tốt đẹp, nhân văn trong nghị quyết của Quốc hội mới tiếp tục đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế thôn, bản, thiết thực chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới - nơi còn nhiều gian khó của đất nước.

Anh Thảo