Sân khấu cải lương Long An

Vì nghệ thuật, cho khán giả

- Thứ Tư, 03/04/2019, 08:50 - Chia sẻ
Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu của nghệ thuật dân tộc, Đoàn Cải lương Long An ngoài nỗ lực có thêm vở diễn mới đã không ngừng tìm kiếm cách làm để thu hút khán giả, qua đó cải thiện đời sống nghệ sĩ, giúp họ gắn bó với nghề. Chúng tôi có cuộc trao đổi với NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Long An, Trưởng đoàn Cải lương Long An, nhân dịp Đoàn biểu diễn phục vụ công chúng phía Bắc.

“Khán giả cần gì phải đáp ứng”

- Cải lương đang cố gắng theo kịp tiết tấu cuộc sống đương thời để thể hiện những cảm quan mới, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ công chúng. Là một nghệ sĩ, một nhà quản lý, theo chị, muốn tồn tại và khởi sắc, nghệ thuật cải lương phải chuyển đổi như thế nào?

- Chính thức sáp nhập với Đoàn Xiếc nhân dân Long An và Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An từ tháng 10.2018, Đoàn Cải lương Long An (trực thuộc Trung tâm Nghệ thuật Long An) nhận thức rõ những thách thức và cơ hội của mình. Trong thời điểm cải lương đang rất khó khăn, nhất là khi khán giả thưa vắng dần, tôi nhận thấy việc tăng doanh thu phải được thực hiện song song với bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc dân tộc. Anh em nghệ sĩ Đoàn Cải lương Long An đã làm được bằng chất lượng, sự đa dạng của tuồng tích và hướng đến đáp ứng nhu cầu khán giả thay vì chỉ cho khán giả xem những gì mình có sẵn.


Cảnh trong vở “Cuộc đời của mẹ” Ảnh: H.Sen

Chúng tôi hiểu rõ thị trường nghệ thuật theo quy luật, mỗi lúc mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, khán giả cần gì phải đáp ứng, biết làm mới theo sở thích và nguyện vọng của công chúng. Nhiều nghệ sĩ đã không ngừng tìm hiểu chương trình biểu diễn của các đơn vị, địa phương, xem cách họ làm, rút kinh nghiệm từ sau mỗi buổi diễn và phản ứng của khán giả. Chúng tôi cũng dựng những vở diễn có sự phối hợp của nhiều loại hình nghệ thuật...

- Làm thế nào để vừa đáp ứng cùng lúc nhiệm vụ chính trị, bảo tồn nghệ thuật truyền thống và tăng thu nhập cho nghệ sĩ?

- 120 suất diễn mỗi năm tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và các địa phương như Sóc Trăng, Đồng Nai… tôi nhận thấy, rõ ràng đời sống nghệ thuật không thể chỉ trông chờ vào những suất diễn được phân bổ và câu chuyện bán vé trước mỗi buổi diễn như xưa giờ cũng không còn hiệu quả. Anh em nghệ sĩ đã bắt tay dựng vở mới, chủ động tìm hợp đồng biểu diễn và huy động nguồn lực xã hội để dựng vở. Đời sống anh em nghệ sĩ vì vậy đã được cải thiện nhiều, họ vừa có lương tháng, vừa có tiền doanh thu từ biểu diễn.

Dàn dựng theo lối mới

- Cải lương hiện không còn sôi động như thời hoàng kim thập niên 1950, 1960, hay gần đây là những năm 1990. Kịch bản ngày càng kém hấp dẫn là một trong những nguyên nhân làm cho cải lương mất đi sức hút. Theo chị, phải làm thế nào để cuốn hút khán giả trong những vở diễn hiện nay?

Vào 20 giờ các ngày 2, 3 và 4.4, Đoàn Cải lương Long An biểu diễn tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Chương trình gồm các tiết mục nghệ thuật sân khấu tổng hợp với các trích đoạn cải lương tiêu biểu, đặc biệt là vở cải lương “Cuộc đời của mẹ” (tác giả Hoàng Song Việt, NSƯT Triệu Trung Kiên; đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Triệu Trung Kiên). Sau đó, Đoàn tiếp tục biểu diễn phục vụ miễn phí tại Bắc Ninh, Bắc Giang từ  5 - 7.4, tại Nghệ An 8 - 9.4.  

- Để tìm lại nhịp thở vốn có của đời sống cải lương, nghệ sĩ đã chủ động kết hợp với các tác giả, đạo diễn, khéo léo phá cách để cải lương đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, lớp khán giả nền của tương lai. Đoàn Cải lương Long An may mắn được các tác giả, là những người đã gắn bó với cải lương từ thời trước năm 1975 hậu thuẫn, giúp các nghệ sĩ  bắt kịp xu hướng đương đại.

Tôi biết vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích cải lương, nhưng nhu cầu thưởng thức của khán giả ở từng địa phương không giống nhau. Nếu chỉ dựng vở theo chỉ tiêu hằng năm rồi mang đi lưu diễn thì khả năng thất bại rất cao. Khán giả đang có rất nhiều lựa chọn khác, ngoài cải lương. Diễn miễn phí mà khán giả không thích, họ cũng không xem và đoàn cũng không còn cơ hội quay lại điểm diễn đó lần sau.

- Đoàn Cải lương Long An đã làm mới các vở diễn như thế nào theo tiêu chí chị vừa nói?

- Trước đây, chúng tôi thường chọn kịch bản có sẵn như “Sân khấu cuộc đời”, “Phố an cư”… để duy trì đều đặn suất diễn. Tuy nhiên, gần đây, cụ thể tại Liên hoan Cải lương toàn quốc cuối năm 2018, chúng tôi đã kết hợp dàn dựng vở cải lương “Cuộc đời của mẹ”, sử dụng phim tư liệu trên màn hình led để lồng sân khấu hiện đại vào vở diễn. Quá trình diễn xuất, nghệ sĩ kết nối với người kể chuyện để tiếp cận khán giả. Vở diễn đã đoạt Huy chương Vàng, trở thành dấu ấn cho phong cách dàn dựng theo lối mới, pha trộn ước lệ của sân khấu miền Bắc với tả thực của sân khấu miền Nam, nhằm phục vụ được mọi đối tượng, trên các vùng miền cả nước.

Sau vở diễn “Cuộc đời của mẹ”, chúng tôi vừa dựng vở cải lương hài “Ai sợ ai” và “Phúc Lộc Thọ”. Đó cũng là một cách làm mới phục vụ thị hiếu khán giả nông thôn với mô típ hài tâm lý xã hội, thể hiện những góc cạnh đa màu trong cuộc sống nông thôn đương đại. Trên tinh thần đó chỉnh sửa, nâng cao một số vở diễn cũ như “Hoa Mộc Lan”, “Kép hát làm vua”, “Đảo cấm đàn ông”… để làm phong phú chương trình biểu diễn. Thời gian tới, Đoàn Cải lương Long An kỳ vọng làm thêm những vở diễn với đề tài lịch sử dàn dựng theo phong cách hiện đại, thu hút công chúng đến với sân khấu truyền thống.

- Xin cảm ơn chị!

Hồng Hà thực hiện