Bộ Công thương quyết giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Vì lợi ích ngành?

- Thứ Năm, 23/05/2019, 07:42 - Chia sẻ
Trong báo cáo điều hành giá xăng dầu vừa được Bộ Công thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi tới ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, cơ quan này cho rằng, nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá mặt hàng này, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ý nghi ngại, thậm chí cho rằng Bộ đang cố giữ lợi ích ngành.

Sau 9 lần điều chỉnh vẫn thấp hơn giá thế giới

 Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Hiện, giá dầu thô WTI ở mức 62,87 USD/thùng (ngày 16.5), tăng khoảng 35,1% so với đầu năm 2019 (ngày 2.01); dầu thô Brent ở mức 72,62 USD/thùng, tăng khoảng 32,3% so với đầu năm. Tại Singapore, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu hiện tăng từ 30,6 - 46,2% so với đầu năm nay.

Riêng ở trong nước, do chịu tác động của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và việc áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới từ ngày 1.1.2019 khiến giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, với mục tiêu điều hành giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều hành chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định, hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.


Theo Bộ Công thương, sau 9 lần điều chỉnh, giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá thế giới
Nguồn: ITN

Do vậy, sau 9 kỳ điều hành kể từ đầu năm nay, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước tăng khoảng 17,2 - 27,1% so với đầu năm. “Như vậy, mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6 - 46,2%), thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu”, Bộ Công thương khẳng định.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân, GS. Đặng Đình Đào cho rằng, hiện nay, thị trường xăng dầu “vẫn mang dáng dấp độc quyền” nên giải thích của Bộ Công thương vẫn “chưa thuyết phục”. Ông phân tích, thứ nhất, việc điều hành giá xăng dầu hiện theo Nghị định 83 (thay cho Nghị định 84/2009/NĐ - CP, khi nguồn xăng dầu chủ yếu dựa vào nhập khẩu). Song, hiện tại, chúng ta đã chủ động được nguồn cung trong nước, thậm chí cuối năm ngoái, hai Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất dư thừa khoảng 1 triệu mét khối. Do vậy, việc điều hành giá theo Nghị định 83 đã không còn phù hợp.

Thứ hai, việc Bộ Công thương cho rằng giá xăng dầu của Việt Nam mới chỉ tăng 17,2 - 27,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của thế giới là 30,6 - 46,2% nhưng phải xem mức thu nhập của người dân hiện nay ra sao? Thêm nữa, việc Bộ cho rằng sở dĩ mức tăng này thấp do dùng Quỹ bình ổn, nhưng việc rót tiền vào, bơm tiền ra khỏi quỹ đó cũng như cách vận hành vẫn chưa minh bạch. Chưa kể, trước đây chúng ta đặt mục tiêu xăng E5 RON92 thân thiện môi trường phải có giá rẻ hơn nhiều so với xăng A95, nhưng thực tế giá bán lại xấp xỉ cho nên lượng xăng E5 RON92 bán ra thấp. “Việc tính giá xăng E5 RON92 cao phải chăng để bù lỗ cho nhà máy bị đắp chiếu?”, ông Đào đặt câu hỏi.

Do đó, theo chuyên gia này, ngành công thương cần minh bạch thực sự công tác điều hành giá xăng dầu. “Trước đây, chúng ta phải nhập khẩu tới 11 - 12 triệu mét khối xăng dầu mỗi năm, nhưng bây giờ nguồn cung trong nước đã bảo đảm, thậm chí còn dư thừa. Do vậy, ngành công thương nên giải trình về nguồn xăng dầu trong nước để dư luận biết được sản lượng sản xuất hiện nay ra sao, tức là phải tính toán xem tỷ lệ xăng dầu trong nước thế nào, từ đó xây dựng cách tính giá phù hợp chứ không phải chỉ dựa vào lượng nhập khẩu”, ông đề xuất.

Bỏ Quỹ bình ổn sẽ không còn công cụ điều tiết xăng dầu?

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm thời gian là có nên tiếp tục duy trì Qũy Bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công thương lập luận, xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá. “Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”, Bộ Công thương nêu rõ.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế - Tài chính, “không cần thiết giữ quỹ này”. Lý do bởi hiện nay, lạm phát trong nước đã ổn định nên nhu cầu phải bình ổn giá xăng dầu không còn lớn. Thứ nữa, việc giữ hay bỏ quỹ này cần dựa vào hiệu quả kinh tế, song thực tế hiệu quả này không cao nên việc bỏ quỹ sẽ không ảnh hưởng đến điều hành chính sách vĩ mô. “Chúng ta không nhất thiết phải giữ quỹ này mới kiềm chế được lạm phát bởi còn nhiều công cụ khác. Lạm phát cơ bản hiện giữ dưới mức 2%, do đó dù giá xăng dầu có biến động mạnh thì vẫn bảo đảm kiềm chế lạm phát dưới 4%”, ông Độ nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định trên, GS. Đặng Đình Đào bổ sung, thực tế nhiều lĩnh vực khác dù không có quỹ bình ổn song Nhà nước vẫn can thiệp, như trong trường hợp lũng đoạn thị trường, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông, không có nền kinh tế thị trường hoàn toàn mà bao giờ cũng có bàn tay Nhà nước. Do vậy, việc lo ngại nếu bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến Nhà nước không còn công cụ điều tiết mặt hàng này là không thực tế. “Ngành công thương nắm giữ quỹ đó, “một mình một chợ” nên việc lập luận như vậy cho thấy họ chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của ngành mình”, ông nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh, trong trường hợp vẫn muốn duy trì quỹ, “dứt khoát phải minh bạch, thông qua cơ chế giám sát của liên ngành gồm kho bạc, tài chính để mỗi lần nạp tiền vào quỹ, bơm tiền ra, người dân phải được biết và thấy yên tâm về đồng tiền thuế của mình”.

Đan Thanh