VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,05%

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:36 - Chia sẻ
Tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ đạt 7,26% và cả năm đạt 7,05%. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Đây là dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại buổi tọa đàm “Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III.2019” diễn ra hôm qua 10.10.

“Chất lượng tăng trưởng đang kém đi”

Theo báo cáo của VEPR, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III đạt mức 7,31% và trong 9 tháng năm nay đạt 6,98%. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.

 Kinh tế trưởng VEPR Phạm Thế Anh cho biết, điểm đáng chú ý trong quý III là việc Tổng cục Thống kê tính toán lại GDP, đưa quy mô tăng tới 25% do bổ sung thông tin từ tổng điều tra, theo đó 76.000 doanh nghiệp được thêm vào; cập nhật mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế và cập nhật cơ cấu kinh tế.

Theo ông Phạm Thế Anh, việc ước lượng lại GDP là điều nên làm, nhưng câu chuyện tính toán lại của Tổng cục Thống kê gây ra một số băn khoăn, chẳng hạn như: Đánh giá lại GDP đã đẩy GDP tăng tới 25%, trong đó phần lớn là nhờ sự góp mặt mới của 76.000 doanh nghiệp đóng góp thì nguồn thu về ngân sách Nhà nước năm nay liệu có tăng không? Các chỉ tiêu vĩ mô khác như tỷ lệ nợ công, vay nợ Chính phủ... có được nới lỏng? “Câu chuyện về tính toán GDP nên được giải thích một cách hợp lý, khoa học thì những con số về tăng trưởng mới thực sự có ý nghĩa” ông Thế Anh nhấn mạnh.

Mặt khác, đóng góp chính của 9 tháng năm 2019 đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng. Còn khu vực dịch vụ không khác nhiều so với năm trước; khu vực nông nghiệp, nông lâm thủy sản lại sụt giảm. Trong tăng trưởng công nghiệp, hầu hết các ngành chế biến chế tạo đều giữ nguyên, nhưng ngành khai khoáng lại tăng vọt bởi lý do, 9 tháng qua thời tiết nắng nóng, nên việc sử dụng điện tăng cao khiến việc khai thác tài nguyên tăng lên, điều đó gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Phạm Thế Anh, đây là sự tăng trưởng không bền vững, chất lượng tăng trưởng đang kém đi.


Nguồn: ITN

Nguy cơ bị vào danh sách thao túng tiền tệ

Với mức tăng trưởng cao ở quý III, VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV sẽ đạt 7,26% và tăng trưởng cả năm đạt mức 7,05%. Tuy nhiên, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền mạnh và tài sản. Dự báo tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. Tỷ lệ lạm phát bình quân quý III đang ở mức vừa phải, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Ảnh hưởng từ dịch tả lợn và tăng giá xăng có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao.

VEPR cũng cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa trong quý III ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 4,9 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 9,16 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. Việc Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, cùng với lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ.

Do đó, VEPR khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng và có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ, khi Mỹ chính thức gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc. Và, cũng đã có những nhận định về những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Việt Nam có thể bị “vạ lây” bởi cuộc chiến thương mại. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phối hợp tốt với Mỹ trong việc cung cấp thông tin để thể hiện thiện chí của mình. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với Mỹ để nắm rõ những thay đổi trong chính sách của họ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam.

Tuệ Anh