Về vườn

- Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:33 - Chia sẻ
Hà Nội những ngày chống dịch, phố xá thưa thớt người xe, duy những hàng cây vẫn hớn hở bật chồi xanh đúng mùa thay lá. Nằm nhà, bỗng nao nao nhớ lại mảnh vườn xưa, và cái thời sống chậm - vừa như đang thấp thoáng trở lại, trong ao ước…

Giờ nói “về vườn” thì ai cũng hiểu là về hưu, vui thú điền viên. Còn tôi mới lên 3 đã được về vườn. Vườn là tên chỉ một vùng dân cư ven đồi rừng cách trung tâm thị xã Cẩm Phả 4km nên còn được gọi là Cây Số Bốn. Từ trung tâm đi theo Quốc lộ 18, qua nhà máy Cơ khí Trung tâm rẽ phải, cũng phải 2km ngoằn ngoèo nữa mới đến xóm nhà tôi.

Mảnh đất của ông bà nội nằm dưới chân đồi, được giật cấp thành hai phần. Phần cao hơn đã được kè và san phẳng như thể chuẩn bị xây một công trình gì đó. Nhà của gia đình ở phía dưới chẳng hiểu sao không quay mặt ra đường mà lại quay vào phía đồi, tức là cửa chính nhìn ra kè đá của khu đất trên cao. Mãi sau này mới xây thêm một căn nữa liền kề quay ra lối cổng vào.

Căn nhà rộng chắc chỉ 60m2 với một phòng khách có tủ chè và đôi cánh phản để ngủ luôn. Trên tủ lúc nào cũng bày hộp đựng rượu thuốc có chữ Sâm nhung thập toàn đại bổ, trên in hình một lực sĩ cởi trần. Phòng trong đủ kê một cái giường mà các nan gỗ ở chỗ tựa đầu giường được tạo hình rạng đông- mặt trời tỏa ra các tia sáng, và một chiếc bàn dài cạnh cửa sổ. Mỗi sáng mùa đông, bà lại để chậu nước trên bàn pha một chút nước sôi cho “tan giá” để lau mặt, rửa tay cho tôi.

Kế tiếp là bếp rồi đến sân sau với giếng nước có thành cao chừng 1m. Nhìn xuống thấy ăm ắp nước soi bóng mấy bụi dương xỉ thò ra từ khe đá. Ngày đó chưa có khái niệm tủ lạnh nên muốn uống bia lạnh, ông sẽ ròng dây thả cái xô đựng mấy chai bia xuống giếng, có khi cả chè đỗ đen. Khái niệm về “đá lạnh” mà mọi người kháo nhau quá lạ lẫm đối với tôi. Làm tôi cứ băn khoăn làm sao mà bỏ mấy hòn đá trong đống đá xanh (dùng để xây móng nhà) ngoài sân vào tủ lạnh thôi mà nó lại thành đá trong suốt ăn được nhỉ?!

Dù có giếng nhưng nhà tôi vẫn xây bể để hứng nước mưa. Đến mùa hè, bể nước trở thành lò ấp trứng ếch. Khi đó thò đầu vào bể sẽ thấy mùi tanh tanh nhan nhát của các búi trứng nâu nâu nổi phềnh hoặc bám vào thành bể.

Nhà bé thôi nhưng đất thì rộng, tha hồ chạy nhảy. Người lớn bảo nhà có 13 cây mít, tôi chưa từng đếm, chắc không nhiều đến thế. Nhưng đủ cả mít dai, mít na, mít mật… Thích nhất là mít dai, mít na- ăn được cả cùi và xơ cái và tất nhiên hạt mít, luộc lên cho nứt vỏ ra rồi bỏ vào chảo đảo cho khô. Nếu chịu khó thì bóc vỏ trước khi đảo, rắc mấy hạt muối vào. Bùi bở tơi ăn đến chán thì thôi. Ngày xưa mít chỉ để ăn và cho chứ không bày bán đầy đường kể cả vào mùa đông như bây giờ. Thèm đấy nhưng hầu như tôi chả mua vì sợ thuốc. Vả lại cũng vị cũng không còn thật, còn tươi như xưa. Thương mại hóa còn làm cho giống mít mật có nguy cơ tuyệt chủng. Đâm ra vẫn ước ao có đất để trồng mít. Nhưng nghĩ lại, nó đã thành hiện thực trước khi ước rồi còn gì.

Khi nào mặt tôi nổi mụn thì mọi người sẽ bảo là do ăn mít nhiều quá. Còn hai ống chân lúc nào chi chít vết muỗi đốt. Đêm nằm trong màn, dàn đồng ca cánh muỗi đưa tôi vào giấc ngủ. Có lần tôi bị hẳn một con bướm chui vào trong lỗ tai. Ở trong đó, nó quạt cánh phành phạch làm tôi phát hoảng. Chú tôi thò ngón tay út vào ngoái thật lực, thì lôi ra được một con… mọt gạo.

Đón khách vào nhà là cây ổi đào ruột đỏ ngọt lịm. Có cả cây ổi mỡ lùn tịt nhưng quả to tròn, ruột trắng, ngọt mát. Vườn trồng chuối và có một cây cam. Một hôm, bà nhặt quả cam rụng bổ ra cho tôi ăn. Hôm sau chờ mãi chả thấy quả nào rụng, tôi bèn vặt một quả to to bảo bà là cam rụng, thế mà bà không tin, lại bị mắng. Một lần bị mắng nữa là khi tôi xé cả một tệp lịch block treo tường để chơi, chỉ vì thấy đứa hàng xóm nó cũng có một tệp như vậy, trông hay hay, nhưng là lịch cũ. Khi đó hai bà cháu đang nằm trên giường, ông giơ roi lên dọa, nhưng bà đã ôm choàng lấy tôi, quay lưng ra phía ông để đỡ.

Nhà cô tôi ngay đối diện nhà ông bà, cách con đường đất nhưng không bao giờ thấy lầy lội vì vùng này toàn đất sỏi rắn như kiểu đá ong màu nâu đỏ. Bọn trẻ dễ dàng nhặt được trên đường những viên cuội nhỏ, dèn dẹt màu đỏ hay vàng xậm gọi là hòn son để vẽ lên tường hay nền nhà.

Hồi đó dâm bụt chuyên được dùng làm hàng rào. Trẻ con hay hái những bông dâm bụt đỏ, tước lấy cánh hoa rồi đem dính phần dính nhớt gần nhụy lên trán, lên má. Riêng bờ rào nhà cô tôi lại trồng cây mâm xôi. Mỗi khi tia thấy một chấm đỏ sau đám lá là sung sướng lắm, vặt chén luôn.

Nhà cô tôi trồng cả vải cả nhãn nhưng lấy bóng mát và làm chỗ cho trẻ con leo trèo là chính. Trên mấy cây này hay có con vòi voi là một loài bướm với đôi cánh sáng màu điểm hoa văn rất đẹp. Vùng rừng nên là châu chấu cào cào bọ muỗm vô thiên lủng nhưng chả thấy đứa nào bắt ăn. Thay vào đó chúng đi ăn bọ xít. Bắt trên cây nhãn được cả rổ, vặt chân vặt cánh cho vào chảo chiên. Ăn là lạ, thơm kiểu cà cuống, lại nhiều thịt hơn. Cũng có khi chúng rủ nhau ra đồng cỏ hái hoa cỏ khua khua cho lũ chuồn chuồn hoa mắt rồi bắt, xiên vào một cành hoa cỏ khác thành xâu. Tôi thấy ghê chả tham gia, với nói chung cũng chả đủ kiên nhẫn để đi rình chuồn chuồn.

Xóm được gọi là khu Đập Nước vì có một cái hồ khá lớn tạo thành do một con đập ngăn các dòng chảy từ trên núi xuống. Chạy dọc theo con đường mòn xuyên xóm là cặp ống sắt to bự dẫn từ trong núi ra. Dân tình bước qua các ống này thay cho cầu qua suối. Có lần thấy một nhóm sinh viên mỹ thuật đứng ngay trước cổng nhà kê giá vẽ, trong tranh có nguyên cặp ống nước. Con đường rợp bóng cây, nắng xuyên qua vòm lá lung linh ra phết. Nhưng hồi đấy tôi chỉ nghĩ bụng, chỗ này có gì đẹp để mà vẽ cơ chứ. Sự thực là khi ở giữa cái đẹp, người ta thường không nhận ra cho đến khi đi khỏi.

Bảy rưỡi tối thứ Bảy, mấy đứa choai choai lại tụ tập ở nhà tôi để chõ tai vào đài nghe “Kể chuyện cảnh giác” với những kịch bản na ná nhau. Kẻ gian cũng có khi là bọn gián điệp sẽ dụ dỗ người nhẹ dạ, và cuối cùng chú công an xuất hiện làm mọi chuyện sáng tỏ. Sau đó là “Sân khấu truyền thanh” nhưng có vẻ “Câu chuyện cảnh giác” vẫn được ưa thích hơn vì gay cấn. Hồi đấy làm gì đã có tivi nên đài phát thanh cứ bật cả ngày.

Sáng sớm, cực kỳ dễ chịu khi vẫn nằm trên giường vừa nghe “Chuyện kể ở đại đội”. Chủ nhật thì có kịch truyền thanh. Nhớ những đoạn nhạc thính phòng du dương đầy tâm trạng lúc chuyển cảnh hay làm nền cho độc thoại. Nếu là bây giờ chắc sẽ rất chán vì có mấy bản cứ quay đi quay lại. Cũng là nhạc không lời nhưng sôi động sẽ được phát vào giờ nghỉ giữa hai hiệp bóng đá, trong đó có bài sau này tôi mới biết là “Thriller” của Micheal Jackson. Sau giờ trưa sẽ là chương trình ca nhạc quốc tế. Hồi đó cứ bài nào không phải tiếng Việt cũng không phải tiếng Trung, tôi đều cho là tiếng Liên Xô. Khi nào cao hứng tôi lại đứng trên cánh phản xì xồ hát “tiếng Liên Xô” một bài nào đấy tự bịa ra. Còn nếu ai hỏi sau này cháu thích làm gì thì tất nhiên mình sẽ đáp: Nhà du hành vũ trụ. Vì hồi đó đài suốt ngày ca ngợi anh hùng Phạm Tuân.

Hồi đó có một bài nhạc Trịnh mà tôi tưởng là nhạc mới, đang thời thượng, vì cô út học sư phạm ở Uông Bí mỗi lần về thăm nhà hay hát. Nhớ nhất nét nhạc la đà: “Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè”. Chắc chưa hình dung được chiều tím là thế nào nên tôi tưởng tượng ra một cô gái mặc áo mỏng có hoa màu tím bay bay dưới những tán cây lá ngả vàng… Một bài hai cô cháu cũng hay hát do nghe nhiều trên đài phát thanh là Mùa xuân gọi của Trần Tiến. Đoạn “Mẹ ơi sáng nay xuân về/ Mẹ trông ra ngoài hiên nắng/ Mẹ mong đứa con xa nhà/ Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về…” tôi hình dung ra đúng bà mình dưới mái hiên của ngôi nhà mình đang sống. Chỉ có điều một trong 5 người con trai của bà thì đã hy sinh, không về nữa.

Ông bà đón tôi về nuôi để mẹ tôi đi học chuyên tu Đại học. Tôi được cái mải ăn chơi chẳng mảy may nhớ đến bố mẹ. Hoặc nhỏ quá nên quên. Chỉ nhớ lần mẹ về thăm, tôi lạ lẫm đến mức đứng sau cánh cửa mở, nhòm qua khe. Thấy một phụ nữ ăn vận thanh lịch, sơ-mi chiết eo hoa văn màu lá mạ trên nền vàng nhạt, dáng điệu khác hẳn với mọi người xung quanh. Mẹ cắt tóc ngắn trên cằm, phi-dê, nở nụ cười sáng bừng, ngồi xuống hỏi han khi tôi từ sau cánh cửa bước ra. Hẳn phải có màn ôm hôn vì vẫn nhớ mùi của mẹ lúc đó, rất riêng chỉ mẹ mới có, tươi mát, trong trẻo mà là mùi tự nhiên chứ làm gì có nước hoa.

Tóc bà nội thì hồi đó vẫn dày, đen và dài. Bà hay chải rồi búi lại sau gáy, gài lại bằng trâm hoặc chẳng cần. Chỗ tóc rối rụng ra thể nào cũng được thắt lại hình số tám đem gài lên đầu ống tre chỗ giọt gianh. Hồi đó ông bắt đầu bị tê tay, bà đưa đi chạy chữa khắp nơi. Một ông lang ở thâm sơn cùng cốc bày cho bài thuốc gì đó mà thấy bà phải dùng cả tóc rối lẫn trứng cùng vài thứ nữa nấu lên trong cái xoong. Tất nhiên là ông vẫn chẳng khỏi.

Ngay trong vườn nhà cô tôi có một bến tắm cho bọn trẻ  vầy nước, tôi dát chết chỉ đứng trên bờ. Và nhìn sang bờ đối diện cũng có vài mái nhà thấp thoáng trong cây, ước ao có ngày được sang chơi. Có lần ai đó bắt được con rắn nước khi đang bơi, lập tức sau đó có chả để ăn. Một đêm Trung thu được ông bà cho theo các anh chị lớn đi rước đèn, dù chả có đèn riêng để rước nhưng tôi được đi ra tận mặt con đập ngang qua hồ. Cảm giác thật choáng ngợp, như ngụp vào một không gian xanh thẳm. Trên dưới đều khảm sao lấp lánh, có điều bên trên thì rõ hơn.

Còn có cả một vùng hồ tự nhiên khác ở sâu trong núi tôi từng đến khi cùng cô mang quần áo đi giặt. Không nhớ vì sao lại phải tiết kiệm nước ở nhà đến thế. Hay là cô tranh thủ vừa giặt vừa đi chơi. Sau này, người ta còn phát hiện ra trong vùng có mạch nước nóng và đưa vào khai thác. Thảo nào mà mảnh đất đó đã đem lại cho tôi cảm giác ấm áp đến vậy.

Có dạo, về thăm vườn, thấy một khu nhà tắm kèm bể bơi mọc lên bên hồ Đập Nước, ngay cạnh nhà cô tôi. Nạn khai thác than thổ phỉ cũng khiến cho sỏi cát chảy tràn xuống suối hoặc vì một lý do nào đó khiến dòng chảy cạn dần. Đập Nước bắt đầu bị bồi lấp, nước thải từ khu tắm nước nóng khiến chỗ nước hồ còn lại đục ngầu. Mảnh đất của ông bà cũng đã về tay người khác từ lâu...

Tùy bút của Nguyễn Mạnh Hà