Vẽ lại bản đồ chính trị Đức

- Thứ Ba, 03/12/2019, 08:00 - Chia sẻ
Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt nguy cơ xảy ra khủng hoảng sau khi đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) vẽ lại bản đồ chính trị của nước này bằng cách bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới không hề mặn mà với sự sống còn của liên minh cầm quyền.

Nguy cơ tan vỡ liên minh cầm quyền?

Phó Thủ tướng Olaf Scholz, liên danh với ứng viên Klara Geywitz từ Đông Đức đã phải chịu thất bại nặng nề trong nỗ lực tiếp tục lãnh đạo SDP khi các đảng viên dồn phiếu cho liên danh tranh cử của ông Norbert Walter-Borjans và nghị sĩ Saskia Esken. Đây là những nhân vật phản đối mạnh nhất việc bắt tay với bà Merkel và muốn đàm phán lại thỏa thuận liên minh nhằm tập trung nhiều hơn cho công bằng xã hội, đầu tư cho các chính sách khí hậu. Được biết, kết quả bỏ phiếu trên sẽ được chính thức thông qua tại hội nghị kéo dài 3 ngày của SPD, bắt đầu từ thứ Sáu tới.

Tuy nhiên, bình luận sau chiến thắng, ông Walter-Borjans đã thận trọng phát biểu rằng, ông không có ý định đột ngột phá vỡ liên minh. Thay vào đó, nhiều khả năng, SPD sẽ đưa ra một loạt yêu cầu, chẳng hạn như đòi từ bỏ mục tiêu ngân sách cân bằng và tăng mức lương tối thiểu mà bà Merkel đang ấp ủ. Thậm chí, một số yêu cầu khác có thể được coi như lằn ranh đỏ đối với khối liên minh trung hữu do đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà lãnh đạo. Đơn cử như SPD nhiều khả năng sẽ chất vấn chính sách “Số 0 đen” về việc không thâm hụt ngân sách. Nợ công của Đức đã tăng lên 1.900 tỷ euro trong nửa đầu năm 2019.

Việc thay đổi nhân sự lãnh đạo của SPD được cho là sẽ đẩy bà Merkel tiến gần hơn tới cửa “exit” sau 14 năm cầm quyền khi mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với khó khăn. Hiện nay, tăng trưởng của Đức đã chững lại, còn chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel lại bị lu mờ trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bị mắc kẹt giữa một chính quyền Mỹ không mấy thân thiện và một Trung Quốc đầy quyết đoán. Năm ngoái, bà từng tuyên bố sẽ không tái tranh cử mà kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng của mình vào năm 2021.

Diễn biến mới trên chính trường Đức dường như báo hiệu một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài ở Đức, có thể cản trở những nỗ lực của EU nhằm vạch ra con đường tiến lên phía trước hậu Brexit, đồng thời bảo vệ ảnh hưởng liên minh lá cờ xanh trên trường quốc tế. Thực tế, cuộc khủng hoảng lãnh đạo đảng SDP đã được kích hoạt vào tháng 6 khi nữ Chủ tịch Andrea Nahles từ chức vì đảng này thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu (kể từ đó đến cuộc bỏ phiếu vừa qua, SPD không hề có lãnh đạo). Các cuộc cạnh tranh kế tiếp đã khiến các đảng viên sáng lập và đảng viên cánh tả trong đảng thêm chia rẽ. Phe cánh tả luôn muốn thoát khỏi liên minh cầm quyền và củng cố gốc rễ xã hội mà nòng cốt là tầng lớp lao động của mình. Họ lo rằng, việc tiếp tục điều hành với CDU sẽ khiến cái gốc của SPD bị xói mòn bởi các nhân vật bảo thủ.

Sau một năm đầy biến động, trong đó cả SPD và CDU đều đối mặt với các cuộc đấu tranh quyền lực và nền kinh tế bị suy thoái, các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Đức luôn mong mỏi về một thời kỳ ổn định. Bà Merkel từng tỏ ý hy vọng liên minh vẫn đứng vững cho đến năm 2021 vì “còn nhiều việc phải làm”. Nhưng ông Walter-Borjans - người nổi tiếng về đấu tranh chống gian lận thuế, và bà Esken - vốn công khai kêu gọi chấm dứt liên minh, đã cho thấy sự bất mãn của các thành viên SPD khi họ đổ lỗi cho uy tín sụt giảm của đảng trong các cuộc thăm dò là do SPD đã từ bỏ cái gốc của mình. Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử năm 2017, SPD ban đầu tuyên bố trở thành đảng đối lập tại Đức, nhưng sau đó chấp nhận gia hạn liên minh với Thủ tướng Merkel bất chấp sự phản đối của nhiều thành viên. Kể từ đó, chỉ số tín nhiệm của SPD liên tục suy giảm.

Chia tay hay ở lại?

Bất kỳ cuộc chia tay nào cũng có thể dẫn đến hành động rút khỏi liên minh. Ngoài một cuộc bỏ phiếu thẳng thắn rời khỏi liên minh, sẽ có những đề xuất tại hội nghị SPD sắp tới đặt ra các điều kiện ở lại, có khả năng mở đường cho các cuộc đàm phán kéo dài.

Cuối tuần trước, CDU hy vọng SPD sẽ tôn trọng thỏa thuận liên minh hồi năm ngoái. Trong hội nghị của đảng tuần trước, lãnh đạo CDU Annegret Kramp-Karrenbauer đã tuyên bố với các đại biểu rằng, bà sẽ từ chối đàm phán lại thỏa thuận này. Trong khi đó, Tổng Thư ký Paul Ziemiak bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với các nhà lãnh đạo mới của Đảng Dân chủ xã hội trong liên minh cầm quyền. Ông nói: “Quyết định nội bộ của SPD không làm thay đổi nền tảng của liên minh. Chúng ta nên nhìn vào các thách thức mà Đức đang phải đối mặt và làm sao để điều hành tốt đất nước. Đã có nền tảng Hiệp ước liên minh giữa SPD và CDU và không nên thay đổi điều đó”.

Theo nhiều nhà quan sát, ban lãnh đạo SPD cũng phải cân nhắc nguy cơ đối mặt với một cuộc bầu cử sớm. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi tỷ lệ ủng hộ SPD đã giảm xuống dưới 15% ở một số cuộc thăm dò, trong khi cách đây 2 năm, tỷ lệ này trên là 20,5%. SPD đang phải đua sát nút với đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). Tại các kỳ bầu cử vài năm qua, từ chỗ chỉ là một đảng nhỏ, AfD đã lần đầu tiên giành ghế tại Quốc hội Liên bang cũng như có mặt trong tất cả nghị viện của 16 bang. Đảng này thu hút lượng cử tri đông đảo tại các bang thuộc Đông Đức cũ, vốn không hài lòng về sự chênh lệch phát triển so với các bang thuộc Tây Đức sau 3 thập kỷ nước Đức thống nhất. Hiện AfD đã trở thành đảng lớn thứ 3 tại nước Đức.

Bất chấp những kết quả có thể gây bất lợi cho liên minh cầm quyền trong tương lai, Chính phủ của Thủ tướng Merkel vẫn lạc quan tiếp tục các công việc khẳng định vai trò quan trọng của nước Đức trên thế giới. Trong tuần này, Thủ tướng Đức sẽ gặp gỡ Tổng Thống Pháp, Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo NATO trong Hội nghị Thượng đỉnh của liên minh quân sự này tại London. Sau đó, bà Merkel sẽ tiếp tục hội đàm với Tổng thống Nga Putin ở Paris để chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Scholz có lịch trình tới Brussels vào thứ Tư để làm trung gian cho kế hoạch hoàn thành liên minh ngân hàng châu Âu.

Ngọc Minh