Vẻ đẹp lãng mạn thích ứng và uyển chuyển

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 08:58 - Chia sẻ
“Người ta thích Hà Nội là do nơi đây có năng lượng lãng mạn. Đi nhiều nơi, có những thành phố rất đẹp, nhưng không phải nơi nào cũng khiến người ta rung động. Tại sao thế? Bởi đến mỗi thành phố, chúng ta tiếp cận dữ kiện văn hóa đã có sẵn của thành phố đó. Mà Hà Nội là thành phố của hàng triệu người đang sống, bao thế hệ đi qua, để lại kho dữ liệu cả văn bản và truyền miệng khổng lồ...”.

Chúng tôi hẹn gặp nhà văn Nguyễn Trương Quý ngay sau lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019. Cuốn sách mới nhất của anh, du khảo “Một thời Hà Nội hát” được trao thưởng ở hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội. Tác phẩm được đánh giá “có góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội thông qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn”. Đây là tác phẩm thứ 8 của Nguyễn Trương Quý, đại đa số về Hà Nội. Với anh, mảnh đất này vẫn còn vô số điều mới mẻ và thú vị, miễn là biết cách tiếp cận.


Ảnh: Trương Quý

Vô vàn hướng tiếp cận

- Từ “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Ăn phở rất khó thấy ngon” đến “Mỗi góc phố một người đang sống”, “Còn ai hát về Hà Nội”… và mới nhất là “Một thời Hà Nội hát”, có vẻ như Hà Nội phong phú hơn nhiều người nghĩ, hay bởi anh quá yêu thành phố này?

- Câu hỏi từng được đặt ra là, viết mãi về Hà Nội có gây nhàm chán, khai thác mãi về Hà Nội có cạn kiệt? Đúng là có lúc tôi cũng tưởng như thế thật. Nhưng qua quá trình trải nghiệm và nghiên cứu thì tôi thấy rằng đó là suy nghĩ khá phiến diện, bởi chẳng qua nhiều khi chúng ta chưa có phương pháp tiếp cận hiện thực phù hợp. Hà Nội mặc dù ưu thế hơn các địa phương khác là có nhiều tài liệu, văn bản, nhiều người đã bỏ công tìm hiểu và viết về nó, nhưng xem ra các mảnh đó vẫn rời rạc. Lấp đầy các khoảng trống còn lại không chỉ có dòng chủ lưu mà còn là các dòng ngoại biên, nhân vật chưa được nhắc đến, hay các góc độ hiện thực khác trong cách nhìn… Hơn nữa, Hà Nội cũng không đứng lại ở một hình thái duy nhất từ đầu để bảo là sẽ cạn.


Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2019
Ảnh: Huy Thông

- Và “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” là một hướng tiếp cận?

- Thực ra, cuốn sách cũng chỉ giải quyết được mảnh rất nhỏ trong giai đoạn ấy, thông qua lát cắt rất hẹp, Hà Nội giai đoạn bản lề trước và sau năm 1954, với phần trung tâm là các hoạt động âm nhạc mà cái tên Đoàn Chuẩn là một điển hình. Còn bao nhiêu câu chuyện khác, như các bài hát ái quốc, cổ động tinh thần yêu nước hình thành nên tâm thế yêu nước kiểu Hà Nội như thế nào? Hay các nhóm thanh niên Hà Nội làm nhạc ra sao?... Mặc dù cuốn sách của tôi không quá khó khăn trong tiếp cận tài liệu, nhưng lại được coi như mở ra hướng tiếp cận tương đối mới mẻ. Điều đó cho thấy còn rất nhiều thứ chưa được làm.

Tôi đang nghiên cứu Hà Nội ở góc nhìn tiếp biến văn hóa Hà Nội từ thành phố thuộc địa sang Thủ đô của một nước độc lập. Sau 60 - 70 năm nhìn lại bằng nhãn quan bây giờ, có phương pháp nghiên cứu định lượng văn bản hay nghiên cứu bối cảnh, hoặc kết hợp định tính dưới sự soi chiếu của các thuật ngữ chuyên môn, các lý thuyết được đưa ra để mổ xẻ sự tương đồng giữa các hình thái đô thị… chúng mở ra vô vàn hướng tiếp cận.

Tỏa ra năng lượng lãng mạn

- Nghiên cứu về tiếp biến văn hóa Hà Nội từ thành phố thuộc địa sang Thủ đô của một nước độc lập, anh thấy có những giá trị nào đáng chú ý trong giai đoạn này và được tiếp nối đến hiện nay?

- Khả năng thích ứng của đô thị Hà Nội rất cao. Không gian xã hội đô thị này cho phép xoay chuyển được các hướng. Chẳng hạn một thời cấm đoán nhạc tình yêu hay các mốt bị coi là lố lăng, nhưng mốt vẫn không ngừng sinh ra, thanh niên vẫn hát tình ca hay phụ nữ vẫn có kiểu làm điệu của họ… Thường chúng ta dễ quy nạp các hiện tượng về một hướng, nhưng khi đi phân tích từng nét nhỏ, chẳng hạn cách uống nước ở quán cafe, các bài hát được vang lên ra sao, chỉ độ chục năm đã có biến đổi, và mỗi chục năm như vậy phản ánh sự vận động của đô thị.

Một điều nữa khiến người ta thích Hà Nội ở năng lượng lãng mạn của nó. Đến mỗi thành phố, chúng ta tiếp cận dữ kiện văn hóa đã có sẵn của thành phố đó. Ngay cả đến sa mạc cũng có chất thơ riêng. Chúng ta biết đến Antoine de Saint-Exupéry, người có những trang văn viết về sa mạc, ví như “Chuyến bay đêm” hay “Hoàng tử bé”, trong mắt của ông, sa mạc có nét lạ lùng, quyến rũ trong trí tưởng tượng bay bổng của tác giả. Mà dĩ nhiên Hà Nội không phải sa mạc. Đây là thành phố của hàng triệu người đang sống, bao thế hệ đi qua, để lại kho dữ liệu cả văn bản và truyền miệng khổng lồ. Nhắc đến cái gì, mỗi người lại có liên tưởng, hình dung khác nhau. 6 triệu con người ở Hà Nội là 6 triệu cách hình dung khác nhau về thành phố này.

Nhà xã hội học đô thị người Pháp Henri Lefebvre có đưa ra thuật ngữ “Không gian hóa các thành tố”. Chẳng hạn bài hát mà khi nghe đem lại một ý tưởng về Hà Nội, bài hát được mặc định coi như đại biểu của Hà Nội, như một không gian nào đó, như Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao lung linh... (“Gửi người em gái miền Nam”, Đoàn Chuẩn - Từ Linh) đã định ra một không gian có sẵn. Đó là quy luật diễn ra khắp nơi, Hà Nội cũng nằm trong quy luật ấy. Nhưng ở Hà Nội, sự duyên dáng, quyến rũ của vẻ đẹp lãng mạn lại mang màu sắc thích ứng và uyển chuyển qua các giai đoạn.

Hà Nội tỏa ra năng lượng lãng mạn với chất thơ riêng Ảnh: Trương Quý

Khích lệ cộng đồng tái tạo không gian sống

- Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng thời gian qua anh làm việc ở Bangkok (Thái Lan) và cũng đã du lịch đến nhiều thành phố trên thế giới. Đi xa nhìn về, theo anh, đâu là ưu thế của Hà Nội trong thời đại toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay?

- Nhìn ở nhiều góc độ, các giá trị, tham số thường xung đột với nhau, chứ không phải tạo ra được ngay tổng thể như một nhà hoạch định chính sách. Nếu là cư dân sống ở đó, sẽ thường có sự thiên vị. Hà Nội vẫn giữ nếp sống nhiều khu vực có tính làng xã, nhiều khi lôm nhôm, tùy tiện. Tùy tiện ấy là cái dở, nhưng ở góc độ khác thì lại là sự thích ứng, vì vậy cảm giác khó lường ấy cũng là cảm giác đa dạng.

Kỳ vọng nhất hiện nay là tìm ra mô hình phát triển bền vững cho Hà Nội. Về môi trường, không khí, nguồn nước, Hà Nội đang có chỉ số yếu so với các đô thị cạnh tranh khác. Nguyên việc tổ chức giao thông, chỉ cần nghiêm túc thực hiện đúng luật thì tình trạng tắc đường sẽ cải thiện đáng kể. Nhiều thành phố trên thế giới tắc đường, nhưng không có xung đột kiểu về mặt phản ứng bản năng. Còn ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, nguyên tắc thì đầy nhưng không ai tuân thủ, sẵn sàng xé rào, người thực thi không nghiêm minh, nên tạo ra một số biệt lệ, cuối cùng chẳng còn là nguyên tắc nữa.

- Hà Nội vừa nộp hồ sơ đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nếu được xét duyệt, những danh hiệu thời hiện đại kiểu như thế, theo anh, có giúp cải thiện thực trạng hiện nay của Hà Nội không?

- Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo có cái tốt là tạo ra hệ thống truyền thông đa kênh. Dù sao nếu vào trang web thành phố nào đó thấy hệ thống các thành phố kết nghĩa (sisters cities) có Hà Nội, cảm thấy có sự tương tác với nhau, mà đã tương tác thì dù ít dù nhiều cũng mang lại giá trị nào đó, làm giàu thêm đời sống phong phú sẵn có. Nhưng nếu nói đó là cơ sở để cải thiện, khiến mọi thứ tốt hơn thì chưa thể kết luận được. Sự vận động tự thân của cộng đồng sáng tạo ở thành phố mới đóng vai trò quyết định.

- Nhưng làm thế nào để phát huy vai trò của cư dân trong sự phát triển và hội nhập của Thủ đô?

- Cần có những quỹ văn hóa hay giải thưởng tưởng thưởng cho những nỗ lực của cư dân thành phố, khích lệ cộng đồng tái tạo không gian sống của họ. Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay hạng mục Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội trao thưởng cho Nhóm ký họa đô thị Hà Nội. Việc làm của họ - khám phá, sáng tác và lưu giữ vẻ đẹp Hà Nội bằng tranh - cũng là một cách tái tạo không gian sống bằng nghệ thuật. Công việc sáng tạo không đơn thuần của riêng các nghệ sĩ nữa mà biến cư dân thành nghệ sĩ và khu dân cư trở thành trung tâm cho hoạt động sáng tạo, nhất là khi Hà Nội được mệnh danh là thành phố nghệ thuật, sáng tạo, có nhiều văn nghệ sĩ, người sáng tạo. Lạc quan thì 6 triệu người dân như 6 triệu nghệ sĩ tiềm năng, quan trọng là chúng ta phải biết cách phát huy khả năng của họ.

- Xin cảm ơn anh!

Nguyên Anh thực hiện