Giám sát về quản lý đất đai nông, lâm trường quốc doanh

Vào cuộc tích cực hơn

- Thứ Ba, 02/10/2018, 06:52 - Chia sẻ
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 112/2015 của QH Khóa XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn và giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Nhưng sau hai năm triển khai, qua giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết của QH, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, bên cạnh một số việc đã làm được, vẫn còn nhiều việc cần làm, cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương.

Đã mang lại một số kết quả, nhưng…

Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015 của QH là hoạt động mới, tiêu biểu. Đây là lần đầu tiên một cơ quan của QH tổ chức giám sát lại quá trình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết của QH. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sát sao, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng những vấn đề đã được chỉ ra sau khi QH tiến hành giám sát tối cao. Hội đồng Dân tộc cũng đã chủ động, cầu thị, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, tiếp nhận thông tin và tạo diễn đàn để trao đổi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trước khi có báo cáo chính thức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Kết quả rõ nhất trong thực hiện Nghị quyết 112/2015 của QH Khóa XIII về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng là đã cơ bản hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với phần diện tích của các công ty nông, lâm nghiệp, thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 118/2014. Tất nhiên, để hoàn thành công tác này, nhiều ý kiến chỉ rõ, gói hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương có vai trò quyết định, thậm chí thiếu nguồn kinh phí này khả năng hoàn thành sẽ rất thấp.

Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành; các địa phương, doanh nghiệp đã khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp và đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể việc sắp xếp, đổi mới và phát triển đối với 252 công ty nông, lâm nghiệp, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết 112 đề ra. Hiện nay, các địa phương, tổng công ty đang tích cực triển khai thực hiện phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua làm việc trực tiếp với 9 tỉnh, 5 tập đoàn, tổng công ty, và trên 30 công ty nông, lâm nghiệp trên cả nước, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường theo yêu cầu của Nghị quyết 112 của QH trên địa bàn cả nước đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, bước đầu đem lại hiệu quả hơn trong việc sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp bước đầu đã tạo điều kiện cho các công ty đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh. Một số công ty đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh doanh tổng hợp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại hội thảo Ảnh: Hoàng Ngọc

Những việc đã hoàn thành theo yêu cầu của QH Khóa XIII rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng còn đó không ít hạn chế, tồn tại. Trong đó, hạn chế lớn nhất là vẫn chưa xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường không thuộc diện đổi mới, sắp xếp phát triển theo Nghị định 118 của Chính phủ, như quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết 112. Điều này, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, có nghĩa trong tổng số hơn 9.192.221ha đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lấp hồ sơ quản lý được của 25,88% tổng diện tích. Còn 74,12% tương ứng với diện tích 6.813.511ha đất có nguồn gốc nông lâm trường chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.

Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Việc thực pháp luật về nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng chưa nghiêm, và trên thực tế các công ty mới thực hiện được nghĩa vụ tài chính với phần diện tích đất xây dựng trụ sở, cơ sở chế biến, dịch vụ, còn diện tích đất sản xuất chưa thực hiện được. Trong khi đó, việc quy định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định, và giảm 50% với tổ chức đã làm các công ty nông, lâm nghiệp cố tình giữ lại đất, không trả về địa phương quản lý, để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết.

Phải có thái độ kiên quyết

Giải trình trước phiên họp của Hội đồng Dân tộc với các bộ, ngành về nội dung giám sát này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp theo quy định tại Nghị định số 118 của Chính phủ. Nhưng đề án này chưa trình Chính phủ được do Bộ Tài chính cho rằng, địa phương phải có trách nhiệm bố trí kinh phí rà soát, đo đạc, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích không thuộc điều chỉnh của Nghị định 118. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, Bộ Tài chính nên phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo với Chính phủ, để trình ra QH phương án phân bổ ngân sách từ Trung ương cho thực hiện Đề án này. “Nếu không lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng phần diện tích đất thuộc diện này sẽ tiếp tục không quản lý được, khiếu kiện, tranh chấp dễ xảy ra”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.

Việc phân bổ từ ngân sách trung ương cho thực hiện công tác này là giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện hiện nay, khi đa số công ty nông, lâm nghiệp sau chuyển đổi chưa có kết quả kinh doanh khả quan. Như thực tế được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chỉ ra thì các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chưa có hiệu quả kinh doanh cao, khi chu kỳ canh tác dài (từ 10 - 15 năm), trong khi khó thay đổi hình thức kinh doanh, nhằm thực hiện mục tiêu giữ tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường. Không chỉ doanh nghiệp khó khăn, mà nhiều địa phương có các diện tích đất này cũng đang phải nhận hỗ trợ của ngân sách trung ương.

Những khó khăn của các địa phương, công ty nông, lâm nghiệp nêu trên là có thực, song, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, phải triệt để trong thu tiền sử dụng đất của các đơn vị, cũng như nâng định mức sử dụng đất. Đặc biệt, phải xác định rõ sau bao nhiêu thời gian, nếu các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình không sử dụng hiệu quả diện tích đất được giao sẽ phải trả lại. Bởi lẽ, nếu không làm triệt để việc này, địa phương sẽ không có nguồn thu, kinh phí thực hiện đo đạc, xác định ranh giới, lập bản đồ địa chính. Thậm chí, có thể khiến tình trạng quản lý lỏng lẻo chậm được quản lý, vì Nhà nước không thu tiền, đơn vị sử dụng cũng không bị ràng buộc trách nhiệm.

Các yêu cầu được Nghị quyết số 112/2015 đưa ra không chỉ hướng đến tạo thay đổi cho các công ty nông, lâm nghiệp, mà cao hơn là nâng cao hiệu quả sử dụng một nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia (đất đai). Sau quá trình giám sát trở lại về nội dung này, Hội đồng Dân tộc đã công tâm chỉ rõ kết quả đạt được, thẳng thắn nêu tồn tại, hạn chế. Qua giám sát này cho thấy, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí ở một số nhiệm vụ phải có sự thay đổi quan điểm thì mới mong tạo ra chuyển biến thực sự trong công tác này.  

Thanh Hải