Vắng Thúy Kiều, chen chúc Thúy Vân

- Chủ Nhật, 08/02/2015, 16:05 - Chia sẻ
Năm 2015 là vừa tròn 250 năm sinh của đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới (1765 - 2015). Đây là dịp để đọc lại Truyện Kiều và suy nghĩ về nhiều điều trong đó.

Cô em là gọi một cách dân dã, pha chút suồng sã cho có vẻ thân mật, chứ sự thực Thúy Vân sống cùng thời với cụ tổ chín đời của Đại thi hào Nguyễn Du, xấp xỉ với cụ tổ mười lăm đời của người viết bài này. Nhưng nàng vẫn trẻ, mở đầu Truyện Kiều đi chơi hội đạp thanh thì mới tuổi “cập kê”, tức khoảng mười lăm, mười sáu tuổi; cuối Truyện Kiều, trong buổi đoàn viên thì cộng thêm mười lăm năm nữa, tức là mới ngoài ba mươi, nếu sống thời nay ở nước ta thì còn tuổi sinh hoạt Đoàn.

Mặc dù nhan sắc có thua người chị, nhưng cô em này vẫn đẹp, đẹp một cách khỏe mạnh. Này nhé: mặt tròn, tóc dày mượt, da trắng là điều không ai tranh cãi, chỉ riêng chuyện thân thể nở nang hay nét mày rậm rạp thì các nhà Kiều học xưa nay trang cãi bất phân thắng bại, giống như chuyện cào cào châu chấu hay tôm và tép. Tôi thì vẫn tin chữ “ngài” là tiếng Nghệ Tĩnh, người phản đối nói rằng trong chữ Nôm, chữ ngài ấy có “bộ trùng”, nên phải là con ngài tằm… nhưng xem ra cũng chưa hẳn thuyết phục, vì bản Kiều Nôm đó có thể do một nhà Nho quê Bắc chép, họ không hiểu tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, nên tin là chỉ con ngài tằm, thì phải viết như thế, mặc dù họ cũng thấy khó giải thích tại sao tính từ “nở nang” lại dùng để chỉ nét lông mày. Nhưng mà thôi, dù hiểu thế nào đi nữa, thì cô em này vẫn là cô gái khỏe mạnh. Đó là điều đáng mừng, dù nhan sắc không bằng chị. Mặc dù cụ Nguyễn Du nói chị Kiều tài hơn em, Kiều tài thì đúng rồi, nhưng đọc thế cứ nghĩ là cô em cũng có chút tài, dù không bằng chị, nhưng đọc đến nát Truyện Kiều ra, chả tìm được chút tài nào của cô em này cả. Đúng là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, tính Vân dường như ngược lại với tính Kiều: chị nhạy cảm, tinh tế, thương người…; em không hề cảm xúc trước câu chuyện đau buồn của người khác. Cùng nghe Vương Quan kể chuyện về Đạm Tiên, chị thì “mê mẩn tâm thần”, “ủ dột nét hoa”… hết tìm hương thắp khấn vái lại đề thơ nói nỗi lòng mình rồi khắc lên gốc cây “bốn câu ba vần”, còn bản thân chị thì “sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài”. Cô em Thúy Vân “bình chân như vại”, không làm bất cứ một việc gì, chỉ nói một câu, đó là trách chị: “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”, thì thật là gỗ đá chứ còn đâu là người nữa.


Minh họa của Vũ Huyên
Đêm ấy về được Đạm Tiên báo mộng, chị Kiều làm thơ, còn cô em này đánh một giấc từ đầu hôm đến sáng, hiển nhiên thôi. Đáng trách là khi gặp cảnh gia biến, cô em coi như chuyện của người khác, chị Kiều quyết định bán mình chuộc cha, em cũng chẳng hề tham gia bàn bạc hay an ủi chị. Khi chị bán mình xong rồi, ngày mai phải theo người ta ra đi, thao thức không ngủ được, còn em thì đánh giấc tì tì, nửa đêm tỉnh dậy thấy chị không ngủ được, ngồi một mình suy nghĩ thì hỏi:

Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh
Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?

Tôi thuộc nhóm người không ưa Thúy Vân, và chính câu em hỏi chị này đẩy hẳn tôi về phía đối lập. Trời ơi, sao có người đến vô tâm làm vậy? Chị không chỉ hy sinh nhan sắc tuổi xuân, mà còn hy sinh một mối tình tuyệt đẹp đã thề bồi, hứa hẹn… để bán thân mình đi, lấy tiền chuộc cha. Cô em không làm được như chị thì cũng phải biết tâm sự, sẻ chia… chứ sao vô tâm đến tàn nhẫn như vậy? Mà Vương ông là cha chung chứ đâu phải chỉ là cha của một mình Thúy Kiều?

Còn chuyện cô em nhận lời trao duyên của chị thì sao? Nên khen hay nên trách? Đáng khen ở chỗ không phản đối lời đề nghị của chị, đáng trách là quan niệm quá đơn giản về tình yêu. Một cô gái ngoan, nhưng có bản lĩnh, xem tình yêu là thiêng liêng thì có thể hứa làm mọi việc cho chị yên tâm ra đi, trừ chuyện trao duyên. “Người yêu của chị là anh của em, em có thể nghe lời chị để chăm sóc anh thay chị, còn chuyện kết duyên thì không thể”. Đáng ra phải nói như thế, còn cô em này cứ “ngậm miệng ăn tiền”, không, “ngậm miệng ăn tình”, cứ coi như chuyện lấy chồng chỉ là một công việc chị nhờ. Lại nhớ khi trao duyên, chị dặn:

Trông ra ngọn cỏ, lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Thế mà khi làm vợ Kim Trọng rồi, chả hề nghĩ gì về chị, trong khi chàng Kim “Dường như trên nóc, trước thềm/ Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng”… thì Thúy Vân không chỉ thua chị mà còn kém chàng Kim lắm lắm.

 Kể ra cô em này cũng có chút công giúp chồng tìm chị. Đó là khi cùng con theo chồng về nhậm chức ở Lâm Tri, thì Thúy Vân nằm mộng thấy Thúy Kiều cùng ở Lâm Tri, tuy nhiên Kim Trọng phân vân, vì trước khi đưa Kiều đi, Mã Giám Sinh nói đưa nàng về Lâm Thanh, là y nói dối, nhưng như bao người khác, chàng Kim tưởng thật. Dù bán tin bán nghi, nhưng Kim Trọng cũng có ý cất công dò hỏi, và cuối cùng đã ra manh mối. Nghĩ cho cùng, nằm chiêm bao thấy, thì cũng như chuyện vô thức, chẳng có gì để khen cô em này.

Trong toàn bộ Truyện Kiều, hình như Thúy Vân chỉ nói có năm lần. Lần đầu hết sức vớ vẩn là bảo chị “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” bên mộ Đạm Tiên; lần thứ hai, thứ ba hỏi chị “Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh…”, và giải thích nguyên nhân Thúy Kiều bị ngất xỉu trong đêm trao duyên “chiếc thoa này với tờ bồi là đây”. Lần thứ tư kể chuyện chiêm bao với chồng ở Lâm Tri. Lần thứ năm là trong bữa tiệc đoàn viên, Vân nói trong “tàng tàng chén cúc dở say”, nhưng vẫn là ý của cô em chứ đâu lời của rượu:

Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em

Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa
Quả mai ba bảy đang vừa
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.

Nói một cách ngắn gọn, nôm na là chị còn trẻ, bây giờ kết duyên với Kim Trọng đi. Tốt tính thật, nhưng tốt không phải lối, lòng tốt của người sống đơn giản, không coi tình yêu là thiêng liêng, giống như trước đây chị nhờ em một việc, em đã làm trong suốt mười lăm năm, bây giờ chị về rồi, em trả lại việc cho chị đấy. Tất nhiên là Thúy Kiều từ chối, còn Kim Trọng nghe thì sao? Thật là niềm vui bất ngờ, mình tưởng rằng phải thuyết phục khó khăn lắm mới có được điều này. Vì muốn nối duyên với Thúy Kiều nên chàng Kim mới cho đây là niềm vui, chứ nhìn lại đàn con đông đúc và nhận ra, với Thúy Vân, mười lăm năm trời sống với chàng chỉ là làm vợ thay chị những ngày chị lưu lạc, chứ đâu có là tình yêu.

Vâng, với cô em này, thì hai chữ “tình yêu” quá phù phiếm.

Nhưng Thúy Vân không cá biệt, trong xã hội chúng ta có một loại người sống đơn giản như thế, gọi chung là “motif Thúy Vân”:

Người đầy đặn, má bầu bầu bánh đúc
Không thích đàn, chả để ý gì thơ
Đặt mình xuống chẳng biết chi trời đất
Ngáy thường nhiều hơn những giấc mơ.

Nhà lâm nạn, coi như người ngoài cuộc
Vẫn ăn no ngủ kỹ như không
Cần chi hẹn hò, cần chi thề thốt
Chẳng yêu đương cũng lấy được chồng.

Ta lạc lõng giữa cuộc đời trần tục
Thi ca ơi, ngươi phù phiếm vô ngần
Quanh ngày tháng phố phường ta gặp
Vắng Thúy Kiều, và chen chúc Thúy Vân.

Có người bảo tôi làm thơ thế này thì Thúy Vân đau quá. Cứ yên tâm, mình viết mình đọc mà thôi, kiểu người như cô em này thì thơ phú là loại phù phiếm, chả bao giờ ghé mắt đâu. Kể cho cùng đâu đáng trách, mà thật đáng thương!

Vương Trọng