Vang mãi khúc môn đình

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:12 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất)- “Khi nghe tin hát xoan được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Ai nấy miệng cười mà nước mắt cứ tuôn rơi. Những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào. Xoan đã không phụ lòng người. Sức sống của xoan, của khúc môn đình sẽ vang mãi trong những ngày xuân, đến mai sau...” - nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch xúc động nói.

Tích xưa bên đình An Thái

Xưa về làng An Thái, từ cầu Việt Trì người xa xứ thường men theo con đê ngược dòng Lô, để được ngắm nhìn làng mạc, bến bãi yên bình, mướt mải màu xanh của ngô, lúa. Nay về An Thái đã có đường nhựa mới mở rộng rãi, phong quang chạy thẳng từ đầu TP Việt Trì đến trung tâm xã Phượng Lâu, nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đường mới, vừa tiết kiệm thời gian, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và thuận luôn cho phát triển du lịch văn hóa… An Thái nay giờ đã khác xưa, đường ngang, ngõ dọc đều được bê tông hóa. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn xen giữa những mái ngói thâm nâu…

Ngôi đình An Thái nằm trên một gò cao, bóng đa che rợp. Đình làng mới được trùng tu, mái ngói đỏ tươi, vẫn nồng mùi vôi vữa. Từ xa đã vẳng nghe tiếng trống, phách, tiếng hát tập xoan của lũ trẻ trong giáo phường. Theo hẹn, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch, trùm phường xoan An Thái đón chúng tôi tại đình. Bà Lịch khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu. Giọng nói nhẹ dịu như câu hát. Năm nay đã xấp xỉ tuổi thất thập mà dáng đi, phong thái vẫn nhanh nhẹn… Sinh ra, lớn lên trong một gia đình ba đời làm trùm xoan, lại cắp tráp theo ông nội đi hát xoan từ thuở lên năm, lên bảy nên mọi tích truyện về xoan, về làng An Thái, bà Lịch thuộc nằm lòng…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy hát xoan Ảnh: Nguyễn Nga

Tương truyền, Vua Hùng Vương thứ sáu, sau khi thắng giặc trở về, cùng Hoàng hậu đi du xuân. Ngang qua làng An Thái bây giờ, Hoàng hậu bụng mang dạ chửa bỗng chuyển dạ nhưng không hiểu vì sao chưa thể sinh nở. Một hầu gái tâu rằng, nên đón nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay đến. Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến. Giọng hát của nàng trong như chim hót, suối ngân, tay múa chân đi dẻo như tơ, mềm như bún, khiến cho Hoàng hậu quên cả đau. Vua mừng rỡ, truyền Quế Hoa theo đoàn tùy tùng vào cung, dọc đường biểu diễn cho Hoàng hậu an thai. Kỳ lạ thay, đi đến làng Cao Mại đã hạ sinh được ba chàng hoàng tử khôi ngô, tuấn tú. Vua Hùng mừng rỡ, hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các công chúa học lấy điệu múa, lời hát ấy. Vùng đất ấy được vua ban thưởng và đặt tên là An Thai, sau gọi là An Thái. Điệu hát giúp Hoàng hậu an thai gọi là hát xuân, sau gọi là hát xoan, được phổ biến rộng rãi trên vùng đất Tổ…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cho biết, hát xoan rất khó, bởi ngoài chất giọng, dáng điệu, cử chỉ thì còn phải thuộc các làn điệu. Tổng cộng hát xoan cổ có 14 làn điệu (quả cách), mỗi quả cách đều có kép (để đưa cách) và đào (đào hát). Xưa kia để hát hết 14 quả cách phải hát liên tục thâu đêm. Một gánh hát thường có bốn cô đào và một đến hai anh kép. Lời hát bằng âm Hán - Việt, khi biểu diễn có nhạc cụ hỗ trợ là trống và phách. Theo các cụ cao tuổi, hát xoan thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, chúc tụng công đức các vua Hùng, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa tại Hùng Vương tổ miếu. Ngoài ra, vào hội chính của làng An Thái nhằm ngày 9 tháng 9 âm lịch, đào thì xúng xính quần lĩnh áo thâm, kép thanh nhã cùng áo the khăn xếp, cùng hát đối đáp, hát trống quân, hát xoan bên hồ Thiếc, trước sân đình, ra tận bến đò Ðức Bác… rất đông vui, náo nhiệt.

“Nàng Quế Hoa” đương thời

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950 trong một gia đình nhiều đời tâm huyết, say đắm với hát xoan. Ông nội bà là cụ Nguyễn Văn Trìu, trùm xoan nức tiếng một thời. Từ nhỏ bà đã cắp tráp theo ông đi biểu diễn khắp làng trên xóm dưới, tỉnh xa, huyện gần. Từ những canh hát thâu đêm suốt sáng, xế bóng tàn trăng, đến năm mười ba tuổi bà đã thuộc hết 14 quả cách và trở thành đào nương trẻ tuổi, hát hay, múa dẻo nhất làng An Thái. Chiến tranh, giặc giã, mỗi người một nơi và mối lo cơm áo gạo tiền khiến phường xoan không còn hoạt động, nhưng trong ngôi nhà nhỏ kề bên đình làng An Thái của bà chưa khi nào im tiếng hát xoan...

Thân sinh bà là cụ Nguyễn Tất Thắng, người có công lớn trong việc khôi phục phường xoan An Thái thời kỳ sau chiến tranh. Trước khi mất ông gọi con gái, trao sứ mệnh gánh vác phường xoan và toàn bộ vốn tri thức về xoan ông một đời sưu tầm, ghi chép. Bà Lịch tiếp tục công việc ấy, không tiếc công sức đi vận động mọi người gây dựng lại phường xoan cổ. Bà nhận ra một điều, những thành viên câu lạc bộ hát xoan đều đã cao tuổi, chẳng mấy mà gần đất xa trời, nếu không truyền dạy cho lớp trẻ thì hát xoan An Thái sẽ đến lúc chẳng còn đào, kép. Ðó cũng là lý do bà mở lớp dạy hát xoan đầu tiên cho các em nhỏ ngay tại nhà mình.

Trình diễn hát xoan Ảnh: P. T

Năm 2002, phường hát xoan An Thái chính thức được tỉnh Phú Thọ khôi phục. Số hội viên tham gia ngày một đông, đến nay đã có trên một trăm người, từ những em nhỏ bảy tám tuổi cho đến những cụ xấp xỉ bách niên. Người dân An Thái yêu mến gọi bà Lịch là “nàng Quế Hoa đương thời”. Trong phường xoan, mỗi người đảm nhiệm một vai, một cảnh, riêng “nàng Quế Hoa” có thể diễn nhiều vai từ kép, cô đào, gõ trống, gõ phách cho đến đưa cách. Dù ở vai nào, nghệ nhân ấy cũng điêu luyện, hài hòa. Ngoài truyền nghề cho thanh thiếu niên, luyện tập cho các thành viên trong phường xoan, bà Lịch còn đôn đáo đi khắp nơi tìm đất diễn. Bởi, học mà không hành coi như uổng phí. Lứa học trò đầu tiên của bà Lịch nay đã trưởng thành, nhiều người là kép, đào chính của phường xoan An Thái.

Nhớ lại những năm tháng gian khổ, khó khăn để “hồi sinh” phường xoan, cũng như trong cả cuộc đời truân chuyên của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: “Có những lúc ngã lòng, tôi vịn câu xoan mà đứng dậy”. Xoan thành máu thịt, là cuộc sống của bà. Bà góp phần làm sống lại khúc môn đình ngày xuân và xoan cũng đã vinh danh bà. Tháng 12.2017, ngày hát xoan Phú Thọ được UNESCO xem xét đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bà Lịch mời các nghệ nhân trong phường xoan An Thái đến nhà ngóng tin. Tin vui về. “Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Ai nấy miệng cười mà nước mắt cứ tuôn rơi. Những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào. Xoan đã không phụ lòng người. Tôi chỉ có một mong mỏi mọi người con đất Việt đều biết hát xoan. Người dân đất Tổ đều phải hát hay, hát giỏi và giữ gìn được những điệu xoan quý báu này. Giờ tôi đã không còn phải lo lắng nữa khi hát xoan đã vượt ra ngoài đất nước mình, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, bà Lịch xúc động nói...

Nhữ Sơn