Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Vẫn thiếu tư duy chiến lược

- Thứ Ba, 14/07/2020, 07:48 - Chia sẻ
Thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại phiên họp sáng qua, 13.7, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật vẫn đang thiếu một tư duy mang tầm chiến lược, đó là nâng tầm người lao động Việt Nam. Chúng ta không thể chỉ bàn mãi câu chuyện đưa người lao động có trình độ đơn giản mà cần tính tới việc đưa các chuyên gia, lao động chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài.

Đưa lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài

Báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là rất toàn diện. Dự thảo Luật đến nay cũng đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng như theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động sau khi về nước; bổ sung trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ người lao động tiếp cận làm các thủ tục hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước khi họ đang làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về chính sách của Nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhắc lại ý kiến từng nêu tại một phiên họp trước đây, Chủ nhiệm Đối ngoại Ủy ban Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra tư duy mang tính chất chiến lược là nâng tầm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chứ không phải như cách đây 10 - 15 năm, chúng ta thiếu việc làm nên người lao động phải bôn ba xứ người tìm việc làm. Phải tăng cường đưa người lao động Việt Nam sang các thị trường khác với tư cách là chuyên gia, lao động chất lượng cao… Nếu làm được những yêu cầu này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu, chúng ta không chỉ tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu nhập cho đất nước, mà còn thể hiện đúng tầm hình ảnh Việt Nam. Từ quan điểm này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu lưu ý, chính sách phải đủ mạnh "để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có dáng dấp của nước phát triển nên có nguồn nhân lực chất lượng cao hơn". 

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, nên hướng rộng hơn. Theo đó, có thể bổ sung điều chỉnh một số điều khoản của dự thảo Luật. Cụ thể, về chính sách nhà nước đối với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ ở các trình độ đơn giản mà có thể ở trình độ cao hơn hay không? Dự thảo Luật có quy định về chính sách này không? Nếu chúng ta xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở trình độ cao hơn thì chính sách của Nhà nước phải như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh?

 Dự thảo Luật lần này quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được giao cho không quá 3 đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, báo cáo tổng kết thi hành luật đã chỉ rõ, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ và do điều kiện hoạt động của chi nhánh chưa được pháp luật quy định chặt chẽ. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành với việc tiếp tục duy trì quy định doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ cho tối đa 3 chi nhánh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Điều 17, dự thảo Luật đã bổ sung rất đầy đủ, cụ thể về điều kiện hoạt động của chi nhánh và chúng ta cũng có cơ sở quản lý theo những điều kiện này. Tuy nhiên, điều khiến Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lo ngại là liệu các quy định này có bảo đảm được quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không? Nếu doanh nghiệp có 5 chi nhánh, nhưng chỉ được giao nhiệm vụ cho 3 chi nhánh, trong khi 2 chi nhánh còn lại cũng đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động, thì phải chăng chúng ta không quản được thì hạn chế? Quy định như vậy đã phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp hay chưa? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải có giải trình cụ thể hơn để vừa bảo đảm quyền của các doanh nghiệp, vừa bảo đảm quản lý nhà nước.

Giải trình thêm về nội dung này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đã thảo luận rất kỹ với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhận thấy, việc quy định 3 chi nhánh không ảnh hưởng gì bởi nội dung của luật chuyên ngành khác với Luật Doanh nghiệp thì thực hiện theo luật chuyên ngành. Tại sao năm 2006 khi Quốc hội ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lại đặt ra 3 chi nhánh? Có một số lý do nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chủ yếu là vì lúc đó, điều kiện đi lại rất khó khăn, doanh nghiệp cố gắng đặt 3 chi nhánh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm vận động, giao dịch đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thuận lợi hơn, nhưng về bản chất thì chủ sở hữu có 3 chi nhánh vẫn phải chịu trách nhiệm.

Thực tế vừa qua đã cho thấy, phần lớn doanh nghiệp hoạt động được đều không thành lập chi nhánh. Ước tính 50% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đều không có chi nhánh, chỉ làm trực tiếp. Trong khi đó, những sai sót thời gian qua hầu như đều do chi nhánh. Tình trạng mua đi, bán lại, môi giới, thu phí, lạm phí đều diễn ra ở đây. Trong tình hình hiện nay, nhất là điều kiện đi lại, công việc thuận lợi hơn rất nhiều, việc thành lập nhiều chi nhánh sẽ rất bất tiện cho hoạt động quản lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, "không phải vì khó khăn về quản lý mà phải hạn chế chi nhánh. Việc này không phải đặt ra mới mà nó đang hiện hữu trong luật hiện hành, nên riêng mục này, cơ quan quản lý nhà nước báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nguyện vọng thiết tha của chúng tôi đề nghị cho phép giữ lại 3 chi nhánh". 

Từ nay đến trước Kỳ họp thứ Mười, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý và hoàn thiện. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn, dự thảo Luật sẽ giúp cho thị trường lao động, quan hệ lao động, công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tích cực, hiệu quả hơn.

Anh Thảo