Mô hình cơ quan chuyên môn thuộc nghị viện

Văn phòng và cơ quan độc lập thuộc Quốc hội

- Chủ Nhật, 22/03/2020, 07:47 - Chia sẻ
Quốc hội Thụy Điển và Đan Mạch tiêu biểu cho mô hình thứ hai, theo đó, bên cạnh một cơ quan hành chính có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ Quốc hội thì Quốc hội còn thành lập các cơ quan độc lập thuộc Quốc hội. Mô hình này được đánh giá là một trong những mô hình có hiệu quả nhất và hợp logic nhất trên thế giới, vì vừa gắn kết được chính trị và hành chính trong Quốc hội, đồng thời vẫn bảo đảm được tính độc lập của bộ máy hành chính với các yếu tố chính trị. Mô hình này bảo đảm mọi chính khách hoạt động theo tầm của chính khách, các ban hoạt động theo tầm của ủy ban và công chức hoạt động theo tầm của công chức, tránh tình trạng các chính khách trở thành các quan chức hành chính và ngược lại.

12 cơ quan thuộc Quốc hội Thụy Điển

Quốc hội Thụy Điển (Sveriges Riksdag) được tổ chức theo mô hình đơn viện gồm 349 nghị sĩ với nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội Thụy Điển được tổ chức và hoạt động theo Luật về Quốc hội (Riksdag Act hoặc Riksdagsordningen trong tiếng Thụy Điển). Theo đạo Luật này, hiện nay Quốc hội Thụy Điển có 15 Ủy ban, 1 Ban thư ký Quốc hội và 12 Cơ quan hoặc Ban thuộc Quốc hội (Autorities and Boards under Riksdag) bao gồm: Thanh tra Quốc hội; Văn phòng Kiểm toán Quốc gia; Ngân hàng Trung ương Thụy Điển; Ban về Tiền lương của Thanh tra Quốc hội và  Tổng kiểm toán; Ban Hỗ trợ tài chính cho các chính đảng; Ban công tác Kỷ luật của Quốc hội; Ban về Tiền lương của Quốc hội; Ban Dân nguyện Quốc hội; Ban Giám sát bầu cử; Hội đồng Tư vấn về các vấn đề đối ngoại; Ủy nhiệm đoàn Chiến tranh; Ban Kiểm tra đối với các hạn chế giao dịch của các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh.

Về cơ cấu tổ chức của các cơ quan này, nhìn chung, các ban thuộc Quốc hội có trưởng ban, phó trưởng ban (có thể có hoặc không có) và một vài ủy viên. Tất cả đều được bổ nhiệm bởi Quốc hội.


Tòa nhà Quốc hội Thụy Điển

Chẳng hạn Thanh tra Quốc hội có 4 thanh tra viên do Quốc hội bổ nhiệm; Văn phòng Kiểm toán Quốc gia có 3 tổng kiểm toán viên do Quốc hội bổ nhiệm; Các thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương do Quốc hội bổ nhiệm; Hội đồng Tư vấn về các vấn đề đối ngoại có chức năng tư vấn cho Nhà vua, gồm có 19 thành viên, trong đó có Chủ tịch Quốc hội và 9 thành viên là các đại biểu Quốc hội và 9 thành viên khác. Thành viên Hội đồng do Quốc hội bổ nhiệm theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Ủy nhiệm đoàn chiến tranh là cơ chế được thành lập sẵn theo từng nhiệm kỳ của Quốc hội nhưng chỉ được vận hành trong trường hợp đặc biệt khi có chiến tranh (khi Quốc hội không thể họp được), gồm Chủ tịch Quốc hội và 50 đại biểu Quốc hội. Trong thời chiến, các quyết nghị của Quốc hội sẽ được thay bằng quyết nghị của Ủy nhiệm đoàn. Các đại biểu Quốc hội là thành viên của Ủy nhiệm đoàn do Quốc hội bổ nhiệm.

Các cơ quan thuộc Quốc hội Đan Mạch

Quốc hội Đan Mạch theo mô hình đơn viện với 179 nghị sĩ, 32 ủy ban thuộc Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội vừa là người đứng đầu Quốc hội, đồng thời trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý bộ máy hành chính phục vụ Quốc hội. Ngoài ra, để hỗ trợ Chủ tịch điều hòa, phối hợp hoạt động các Ủy ban và nghị sĩ còn có 4 Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch hợp thành Đoàn Chủ tịch. Hiện nay, có các cơ quan sau thuộc Quốc hội Đan Mạch:

Cơ quan hành chính của Quốc hội (Administration of the Danish Parliament), do Tổng thư ký đứng đầu, giúp việc Tổng thư ký có 2 Phó Tổng thư ký phụ trách theo khối (khối phục vụ công tác chuyên môn và khối phục vụ công tác hành chính - quản trị). Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký hợp thành Ban Thư ký Quốc hội. Hiện nay, Tổng thư ký Quốc hội phụ trách công tác tổng hợp, nhân sự và các dự án của Quốc hội; 1 Phó Tổng thư ký phụ trách công tác thư ký giúp việc các Ủy ban của Quốc hội, các vấn đề pháp lý, quan hệ quốc tế, thư viện;  1 Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề truyền thông, tài chính, công nghệ thông tin, an ninh, công sở... Mỗi lĩnh vực đều có các vụ hoặc trung tâm là đơn vị thuộc cơ quan hành chính của Quốc hội. Như vậy, chức năng của Cơ quan hành chính của Quốc hội Đan Mạch tương tự như Văn phòng Quốc hội ở Việt Nam.

Ủy ban Kế toán công (The Public Accounts Committee), là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, có chức năng tham mưu về kiểm soát hoạt động kế toán nhà nước và xem xét các báo cáo của Văn phòng Tổng kiểm toán. Ủy ban có từ 4 - 6 thành viên do Chủ tịch Ủy ban đứng đầu. Các thành viên của Ủy ban này đều được bổ nhiệm bởi Quốc hội, bao gồm một số đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia. Ủy ban này được giúp việc bởi một Ban Thư ký gồm các công chức của Quốc hội.

Văn phòng Tổng kiểm toán (The Auditor General Office), là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, có từ 4 - 6 Kiểm toán viên nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm.

Thanh tra Quốc hội (Obudsman), là cơ quan độc lập thuộc Quốc hội, có chức năng tiếp nhận và giải quyết các đơn thư gửi đến Quốc hội, tiến hành thanh tra các hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xem xét của Quốc hội. Thanh tra viên Quốc hội do Quốc hội bầu và miễn nhiệm.