Vận hội của lòng tin

- Thứ Tư, 14/02/2018, 11:12 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Mậu Tuất) - Vận hội là sự may - rủi, là thịnh - suy cấp độ lớn đến lúc xuất hiện không cách gì ngăn cản. Lo lắng, hãi sợ, do dự hoặc ù lì, tăm tối không nhận ra khi rủi - suy xuất hiện thì đất nước, dân tộc khổ đau bất hạnh, thậm chí trở về thời hồng hoang. Sáng suốt, vui mừng và giàu bản lĩnh, tự tin nắm bắt cái may mắn, cái hưng thịnh đang đến thì dân tộc, quốc gia cất cánh, đổi đời, tiến bộ văn minh.

Tôi vẫn nhớ những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước tháng 4 năm 1975, đất nước rộn rã niềm vui thắng hết trận này đến trận khác, và tràn đầy lòng tin về thắng lợi cuối cùng khiến ai ai cũng hân hoan mong đợi. “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay. Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng. Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời. Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời. Trọn vẹn cả non sông thống nhất, rạng rỡ Việt Nam”. Lời bài hát và nhạc điệu hùng tráng, rộn rã làm triệu triệu quân dân náo nức. Nhạc sĩ Hoàng Hà - cha đẻ của ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” ấy nói rằng: “Thật là một thời điểm kỳ lạ, mà suốt cuộc đời sáng tác của tôi chưa bao giờ làm được. Chính là các chiến công thần kỳ của quân và dân ta năm ấy đã làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy”. Đó là âm nhạc! Âm nhạc cũng vang ngân cùng lòng người với những tâm trạng buồn hay vui, lo lắng hay tự tin. Gần 600 năm trước, là một người tận tụy lo với cái lo của dân nước Đại Việt, Nguyễn Trãi viết thư cho Lê Thái Tông rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”. Cứ như vậy mà suy ra thì âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung phản ánh vận hội đất nước. Âm nhạc nỉ non, văn chương èo uột thì lòng người ly tán, vận nước suy vong. Âm nhạc hùng tráng, tươi vui rộn ràng, văn chương thâm trầm sâu sắc và khí phách, vui tươi thì lòng dân tin tưởng, vận nước hưng thịnh. Tính phát hiện của văn chương nghệ thuật luôn đồng hành cùng với vận nước và báo hiệu cho lãnh đạo, chính quyền mọi thời đại trước những sự hưng - vong.

Nguồn: zing.vn

Cuối năm 1940, đầu năm 1941 Bác Hồ từ nước ngoài về Pác Pó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác nhận ra bên trời Tây, chính phủ Pétain thua trận, phát xít Đức chiếm toàn bộ nước Pháp, nhưng quân đồng minh sẽ chiến thắng. Bác cũng nhận ra vận hội mới: Cách mạng đã qua thời thoái trào, điều kiện khách quan từ bên ngoài rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam đã đến và Bác có niềm tin Cách mạng sẽ thành công. Biên soạn cuốn “Lịch sử nước ta” theo hình thức diễn ca, Người tiên đoán: “1945 - Việt Nam độc lập”. Tháng 7-1945 phát xít Đức - Ý bại trận quân đồng minh, phát xít Nhật cũng bên bờ vực thẳm chuẩn bị đầu hàng. Lúc này, người dân nước ta bị hai tròng áp bức của Nhật và Pháp, đời sống khổ sở, bị bần cùng hóa. Song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin vào vận hội cách mạng thành công đang tới, Người khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Niềm tin vào vận hội, niềm tin vào sức nước lòng dân, quả không sai: Cách mạng tháng Tám mùa thu thành công và ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình.

Có một sự thật lịch sử: Khi ấy nước ta 25 triệu dân thì đã 2 triệu người chết đói, ngân khố quốc gia chỉ có hơn 1 triệu đồng Đông Dương, nhưng đến gần nửa là tiền rách. Dân tộc đứng trước thử thách gian nan: Giặc đói. Giặc dốt. Giặc ngoại xâm. Cơ đồ gần như trắng tay. Song, nhân dân ta có niềm tin thắng lợi và vượt qua tình thế hiểm nghèo ngàn cân treo sợi tóc. Giặc Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhưng thế nước không còn như những năm đầu thế kỷ XX và những năm 30 nữa. Nhân dân ta đã được tự do, có chính quyền, đất nước đã độc lập chứ không phải sống trong màn đêm nô lệ. Tin ở nhân dân, tin ở chính quyền mới để tiến hành cuộc trường trinh mới. Sự thật: Nhân dân ta đã quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm thần thánh, trường kì, tự lực cánh sinh và kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Trong khi đó, rất nhiều nước châu Phi và châu Á có hoàn cảnh tương tự lại bỏ qua vận hội, và nghi ngờ cả sức mạnh dân tộc mình, mà không dám làm cuộc cách mạng triệt để như đất nước Việt Nam, nên nỗi tiếp tục sống trong chế độ thực dân đè đầu cưỡi cổ.

Những người tầm tuổi 70, nhất là những người lính, có lẽ vẫn không quên năm 1965 Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam Việt Nam chiến đấu cùng quân lực của chế độ Việt Nam cộng hòa, đến năm 1968 lực lượng viễn chinh của Mỹ lên tới nửa triệu quân. Trên trời là máy bay các loại, ngoài biển là hạm đội, chiến thuyền, dưới đất là gót giày đinh của binh sĩ Mỹ các binh chủng được trang bị hiện đại. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và các cả phe xã hội chủ nghĩa phập phồng lo lắng cho số phận dân tộc Việt Nam. Có những người bạn lớn không tin Việt Nam vượt qua thử thách này, họ khuyên Việt Nam không nên đánh Mỹ, nên đàm phán và giữ nguyên hiện trạng để tránh cuộc chiến tranh leo thang dữ dội trên quy mô toàn quốc, và rất có thể là ngòi nổ để chiến tranh thế giới lần thứ 3. Bình tĩnh. Tự tin. Giàu bản lĩnh. Bộ chỉ huy chiến lược đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sáng suốt phân tích tình hình, nhận ra vận hội lớn đã đến với dân tộc và kết luận: Việt Nam có thể đánh Mỹ và đánh thắng. Cái vận hội đó là: Cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chúng ta có Bộ chỉ huy chiến lược tài tình, có chính quyền, có nhân dân cả nước một lòng kiên quyết chống ngoại xâm. Có sự giúp đỡ mang tính thời đại của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới... Quả thật, từ Núi Thành trận đầu thắng Mỹ đến ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân đội Mỹ rút đến người lính cuối cùng khỏi miền Nam Việt Nam là minh chứng hùng hồn sinh động nhất cho quyết tâm chớp lấy thời cơ, nắm chắc vận hội đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thiên đường hạnh phúc không phải tự nhiên mà có. Thắng giặc ngoại xâm, đất nước độc lập và thống nhất là một hạnh phúc lớn lao của dân tộc, người người được làm dân của một nước độc lập. Song, vượt qua đói nghèo lạc hậu, sống sung sướng hội nhập cùng nhân loại cũng là hạnh phúc lớn. Hết chiến tranh, nhưng nhân dân ta còn phải đứng trước nhiều thử thách khó khăn. Phía trước là mịt mù mông lung, đi lối nào khi nền kinh tế tập trung bao cấp đã hết thời? Phía sau là cả một gánh nặng chiến tranh để lại với cơ chế cũ bảo thù, lạc hậu trì trệ, chằng néo sức sản xuất phát triển. Công cuộc đổi mới được đánh dấu từ năm 1986, với câu hỏi mang tính lịch sử: “đổi mới hay là chết?” Từ bỏ chế độ bao cấp quan liêu, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang thị trường cũng là một quyết định đột phá mang tính chiến lược. Tem phiếu bỏ hết. Phân phối bình quân bỏ hết. Khoán đến nhóm và người lao động. Ngăn sông cấm chợ bị tháo bung ra...  Sức lao động được giải phóng. Được mùa từ Nam ra Bắc, hàng hóa lưu thông theo quy luật nước chảy chỗ trũng. Từ tình trạng thiếu gạo, và đói triền miên đến tự túc lương thực và xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 thế giới. Công cuộc đổi mới thắng lợi có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chúng ta nắm bắt vận hội đúng lúc. Đúng lúc là vật vã 10 năm sau giải phóng để nhận ra chính mình, không ảo tưởng về thắng lợi và nhận ra phải bắt đầu từ đâu. Đúng lúc là đi trước thời đại, chúng ta có kinh nghiệm đổi mới, có thành tựu đổi mới bước đầu, nên bình tĩnh và có niềm tin đi theo con đường đã chọn mà ít nao núng, hoang mang khi (vài năm sau) cả hệ thống phe xã hội chủ nghĩa tan rã.

Bây giờ thì đất nước ta đang đứng trước vận hội mới nữa. Vận hội đất nước đến không nấn ná chờ đợi ai, nếu không nhận ra, hoặc chậm trễ sẽ lỡ tàu. Vận hội mới chính là hội nhập toàn cầu, không đánh mất mình, hòa nhập mà không hòa tan. Thế giới phẳng và cách mạng công  nghiệp 4.0 với nền khoa học kỹ thuật - công nghệ phát triển như vũ bão. Tư duy thỏa mãn dừng lại, hay nắm bắt cái mới đồng hành cùng nhân loại đang đặt ra câu trả lời lớn và sâu sắc mang tính triết học. 20 năm trước, chúng ta đã có kinh nghiệm và thực tiễn nắm bắt vận hội: “không tiếp tục nhập các kỹ thuật cũ nữa mà đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tức là công nghệ số”, và internet đã vào Việt Nam một cách thành công chóng vánh. Cả thế giới dường như nhỏ bé lại, và chúng ta đi ra ngoài biên giới tổ quốc bằng chính quyết định táo bạo phát triển công nghệ số. Thành công của nắm bắt vận hội và xác lập lòng tin chính là hiện thực đất nước tươi sáng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn tăng trưởng hơn 6%, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát. Kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngành du lịch đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa... Tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đời sống nhân dân tiếp tục nâng cao...

Tuy nhiên, đường đi đến hạnh phúc cũng lắm chông gai, nhọc nhằn và lắm thứ cản bước. Cản đường đầu tiên là nạn tham nhũng tràn lan. Có người hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất lực trước nạn tham nhũng được ví như... giặc nội xâm. Nhưng, các tín hiệu và hàng loạt động thái xử lý kiên quyết trong năm 2017 như: Trịnh Xuân Thanh; hay Hà Văn Thắm - Nguyễn Xuân Sơn với đại án Oceanbank, hoặc quả non chín ép Nguyễn Xuân Anh - Đà Nẵng; hoặc quan lộ thần tốc của Giám đốc Sở 30 tuổi  ở Quảng Nam; hay vụ ông Đinh La Thăng và các ông lớn dầu khí bị bắt giam khởi tố... đang lấy lại niềm tin của nhân dân. Niềm tin và hi vọng về sự công bằng và tiến bộ văn minh xã hội của đất nước.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh