Góc nhìn

Văn hóa nhận trách nhiệm

- Thứ Sáu, 29/05/2020, 06:47 - Chia sẻ
Tự nhận trách nhiệm, nói thì dễ nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào. Bởi thực tế có quá nhiều vụ việc, sự cố từ nhỏ đến lớn xảy ra, ít ai dám tự nhận trách nhiệm, dám nói lời xin lỗi vì những sai sót của bản thân. Do vậy, có những trường hợp nhận trách nhiệm - đáng lẽ là việc bình thường trong xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật - thì lại thành ra đặc biệt và hiếm có. Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, dũng cảm nhận trách nhiệm lại càng đáng được trân trọng.

Vụ cây phượng đổ đè 18 học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 1, TP Hồ Chí Minh), trong đó có 1 em tử vong vào sáng 26.5 khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Tại buổi họp báo cùng ngày, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Vạn Phúc đã vô cùng đau lòng và nhận trách nhiệm: “Để xảy ra cây xanh gãy đổ, rõ ràng người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Bản thân tôi là người chịu trách nhiệm trước, vì đây là tài sản nằm trong khuôn viên trường”.

Dù sự cố đáng tiếc này không ai mong muốn đã xảy ra, dù bản thân thầy hiệu trưởng và nhà trường không đủ chuyên môn để thẩm định về cây xanh và cũng không được tự ý đốn hạ, cắt tỉa cây. Nhận trách nhiệm, đó không chỉ là sự chia sẻ với gia đình nạn nhân trước những mất mát to lớn, mà còn là thái độ dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu trước những sự việc xảy ra ở lĩnh vực mình phụ trách. Chẳng có cách nào đối diện với sự thật tốt hơn là nhìn thẳng vào nó. Thầy xứng đáng được tôn trọng vì dám đối diện với trách nhiệm, không trốn tránh đùn đẩy cho ai.

Trước đó, tại Trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương), một học sinh đã bị điện giật tử vong sau bị nhà trường phân công cắt tỉa một số cành cây phi lao ở trên cao tiếp giáp đường dây điện 35kV. Theo báo cáo của Trường Quyết Thắng về vụ việc, nêu rõ là em “xung phong”, và nguyên nhân là do “khi cắt tỉa có gió đẩy mạnh nên cành cây chạm vào đường điện khiến học sinh bị điện giật”. Chỉ biết, sau hơn nửa tháng xảy ra sự việc và gần một tuần kể từ khi học sinh tử vong, chưa một lãnh đạo nhà trường, giáo viên nào nhận trách nhiệm. Đây là một ví dụ điển hình trong số hàng chục vụ việc xảy ra trong thời gian qua trong các cơ sở giáo dục mà không có người chịu trách nhiệm.

Mới đây, trong phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La… nhiều bị cáo cũng đã từng là những người được giao trọng trách quan trọng trong ngành giáo dục, khi ra trước tòa, lại quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới hoặc cho nguyên nhân khách quan. Thậm chí, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Hòa Bình) còn cho rằng: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Đau xót là tư duy này lại xuất phát từ người làm trong ngành giáo dục, khi điều đúng bị coi là “khuyết tật”, nếu những học sinh, thế hệ trẻ cũng bị “đầu độc” bởi tư duy này thì còn ai dám sống “thẳng lưng”?

Không nhận thức được sai phạm ảnh hưởng lớn tới xã hội, họ còn ngụy biện cho cái sai của mình cũng bình thường như nhiều cái sai khác của người khác chưa bị xử lý. Không những vậy, họ còn thỏa hiệp, còn trực tiếp làm đảo lộn giá trị đúng sai, tốt xấu, cúi rạp người để sống, chấp nhận là “người gù” về nhân cách, đạo đức để hưởng lợi. Trong vụ gian lận thi cử, chưa thấy bị cáo nào tự nhận trách nhiệm, không có bất cứ một lời xin lỗi nào, với những học sinh đã đánh mất cơ hội vào đại học do người khác gian lận.

Tất nhiên làm người “thẳng lưng” không dễ, nhất là khi xung quanh lại có nhiều người lựa chọn kiểu sống “gù”. Để giữ được sự chính trực, nhiều khi phải chấp nhận thiệt thòi. Để bảo vệ được sự chính trực, đôi lúc phải trả giá, có khi là cả sinh mạng. Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức cho xã hội, học sinh noi theo. Dù trước những biến động tiêu cực từ xã hội thì người giáo viên phải giữ được đạo đức, giá trị riêng của mình. Thầy cô khi lên lớp luôn giảng về đạo đức, nhân cách cho học sinh. Nếu thầy cô không giữ được đạo đức, nhân cách thì làm sao có thể thực hiện được nhiệm vụ giáo dục học sinh? Cho nên, đối với nghề giáo, sự chuẩn mực, đạo đức phải giữ bằng bất cứ giá nào và là yêu cầu bắt buộc. Không thể lấy lý do có những tác động từ xã hội mà làm mất đi phẩm giá của mình. Khi ngành giáo dục có những kẻ “gù lưng”, đó là hiểm họa cho nền giáo dục, cho cả một thế hệ học sinh.

Chi An