Văn hóa nào cho nông nghiệp sạch?

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 05:33 - Chia sẻ
Kết hợp cây lâu năm, cây ngắn ngày, chăn nuôi sẽ cân bằng lại hệ sinh thái, làm phát triển các loại thiên địch... sẽ giảm được rất nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư. Làm theo mô hình này khả năng sống sót và làm giàu từ nông nghiệp tử tế rất cao, cỡ trên 90%.

Khi thuốc trừ sâu được nhập khẩu nhiều hơn xăng

6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn cả xăng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là tội ác, nó trực tiếp hủy hoại giống nòi, tàn sát đồng bào, giết người hàng loạt một cách có hệ thống. Tội này theo tôi nó còn nặng hơn việc phát tán virus, buôn bán ma túy...

Khi dấn thân vào làm nông nghiệp, tôi có cơ hội đi thực địa và tiếp xúc với rất nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau. Tôi chia sẻ 2 câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ khiến bạn rùng mình vì bạn không biết hàng ngày mình vẫn đang thu nạp một lượng lớn hóa chất, thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng vào người; vì bạn không biết các tế bào ung thư đang dần được hình thành mỗi ngày trong cơ thể bạn và sức khỏe thì đang bị bào mòn hàng giờ.

Tôi có một đam mê và tình yêu lớn dành cho nông nghiệp. Cứ vào cuối tuần, tôi lại về Củ Chi trồng rau, làm vườn, nuôi gà, nuôi cá… việc chăn nuôi, trồng trọt chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của gia đình và thỉnh thoảng biếu tặng. Tôi nuôi gà, nhưng đàn gà của tôi sau khi gà mẹ ấp nở thì chết dần, chết mòn từ nhỏ cho đến lớn. Đàn gà con từ khi nở đến khi thịt được khoảng 6 tháng, tỷ lệ sống sót chỉ được khoảng 10 - 20%. Bằng các mối quan hệ, cách đây khoảng 1 năm tôi gặp được một chủ trang trại gà có tiếng ở Đồng Nai. Anh có 16 trại gà, mỗi tháng xuất bán hơn 100 tấn gà. Anh cho biết: "Gà là loại vật nuôi có sức đề kháng yếu nhất trong các loại vật nuôi, nếu không đủ hóa chất, vitamin, kháng sinh... thì nó chết gần hết, đặc biệt là nuôi quy mô công nghiệp. Theo đó, gà ở các trang trại của anh từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 80 không ngày nào không cho uống vitamin, kháng sinh và cám tăng trọng, chỉ cần ngưng 1 ngày là nó chết. Từ ngày thứ 81 mới ngưng vì đủ phác đồ kháng sinh, con gà đã có đủ sức đề kháng tốt và không còn chết. Khi con gà được khoảng 90 - 110 ngày là có thể xuất bán, trọng lượng gà trống đạt khoảng 3kg/con và gà mái khoảng 2kg/con. Gà này chủ yếu để bán cho các chợ, lò mổ, chứ bản thân anh không bao giờ dám ăn. Gà để ăn khi nuôi đủ 80 ngày, anh bắt cỡ mấy chục con nuôi vào một khu riêng, khoảng 2 - 3 tháng sau mới làm thịt. Vì lúc này nó đã kịp đào thải hết dư lượng kháng sinh, con gà săn chắc lại, mới ngọt thịt... Từ đó, tôi mua gà 80 ngày tuổi của anh về nuôi, đúng là hiệu quả thật. Vài trăm con chỉ chết một vài con.

Nhiều người hỏi tôi tại sao nông sản của Việt Nam mất giá, trồng xong khó bán, ăn không ngon như trái cây Thái Lan? Đơn giản, trái cây Việt Nam phần lớn được nuôi dưỡng bằng kháng sinh và hóa chất. Bạn hãy đọc kỹ quy trình dưới đây và sau đó nhắm mắt tưởng tượng nhé!

Cây ăn trái, trước khi ra hoa, sẽ được xịt đủ các loại thuốc, nào là dưỡng rễ, bón lá, kích hoa… Một tháng sau cây ra hoa sẽ xịt thuốc kích thích đậu trái liên tục khoảng 15 ngày. Sau đó sẽ là thuốc sâu, thuốc rầy, thuốc ruồi vàng, thuốc cho trái căng đẹp, thuốc dưỡng trái, thuốc trị nấm… và cứ vậy xịt túi bụi cho đến 3 tháng sau thì kêu thương lái vào bán vườn. Thương lái khi mua sẽ thu hết cả vườn mà không cần quan tâm trái to, nhỏ, già, non. Họ vặt sạch đóng vào thùng, sau đó cho vài cục đất đèn vào và đóng lại vận chuyển về các chợ đầu mối. Khoảng thời gian đi đường đó vừa đủ cho trái cây chín tới rất đều, đẹp, căng mọng. Cứ như vậy, một năm cây bị bắt đẻ 3 lần, gần như không có thời gian nghỉ và dưỡng sức. Toàn bộ dưỡng chất mà cây tổng hợp được là từ hóa chất và chất kích thích, cây truyền sang quả cũng không có gì khác ngoài kháng sinh và chất kích thích. Một loại trái cây như vậy làm sao mà bảo đảm sạch, an toàn? Lấy đâu ra mà đòi thơm ngon? Bạn đã rõ lý do tại sao Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn xăng rồi chứ?

Trở lại với câu mở đầu bài, có thể sẽ có nhiều người phản đối hoặc chất vấn tôi về câu nói: "Những người sử dụng hóa chất và chất kích thích quá mức cho phép trong nông nghiệp và chăn nuôi tội nặng hơn việc phát tán virus, buôn bán ma túy’’. Nhưng tôi vẫn bảo vệ quan điểm của mình với cơ sở là: Với ma túy, những người bản lĩnh không dễ gì bị dụ dỗ dùng thử/bị nghiện, thường những kẻ yếu bản lĩnh, sống buông thả, ăn chơi đua đòi mới nghiện. Mà nếu có lỡ bị nghiện thì cũng dễ dàng phát hiện và có thể cai được nếu quyết tâm. Với virus, nó có thể lây lan nhưng bằng nhiều biện pháp khác nhau có thể kiểm soát, phòng ngừa và chữa trị được.

Nhưng với hóa chất, chất kích thích, dư lượng kháng sinh trong đồ ăn, thức uống không dễ để nhận diện nó, không biết nó tồn tại ở đâu với trạng thái nào để mà tránh. Nó cũng không biểu hiện ra ngoài để phát hiện và điều trị kịp thời. Nó âm thầm, ngấm dần vào máu, vào cơ thể rồi tích tụ mỗi ngày một ít, mỗi ngày một ít cho đến vài chục năm sau mới phát tác. Khi nó phát tác ra ngoài thì đã quá muộn để có thể chữa trị. Đó là ung thư, tai biến, đột quỵ, vô sinh, mù lòa, tàn tật… từ đây mà ra chứ đâu!

“Không dùng thuốc trừ sâu có mà ăn cám”?

Có ý kiến phản biện rằng: Làm công nghiệp thời này mà không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ thì có mà ăn cám? Làm nông nghiệp giờ mà không sử dụng chất tăng trưởng thì làm sao mà đủ sản lượng cung cấp? Chăn nuôi bây giờ mà không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, cám tăng trọng, vaccine… thì giá trên trời bán cho ai? 

Đầu tiên, cần mổ xẻ vấn đề: Tại sao các loại giống cây trồng và vật nuôi ngày nay lại phải sử dụng nhiều hóa chất và chất tăng trưởng? Tại sao ngày xưa cha ông ta trồng không hóa chất, không thuốc sâu, không chất kích thích nhưng cây trồng, vật nuôi vẫn sống và phát triển tốt? Đơn giản vì ngày xưa chỉ sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi thuần chủng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mang tính địa phương của từng vùng. Chất lượng giống thuần chủng ổn định, sức đề kháng rất mạnh mẽ, cây càng trưởng thành sản phẩm càng chất lượng. Nguồn thực phẩm tự nhiên này cũng cung cấp cho con người nguồn sinh lực mạnh mẽ nên ít bệnh tật hơn. Đối với cây trồng, nông dân thu hoạch rồi giữ giống cho mùa vụ sau, cứ như vậy đời này đến đời khác. Nhược điểm của giống thuần chủng lâu được thu hoạch, sản lượng thấp, mẫu mã đơn điệu, giá cao.

Ngày nay, bạn có thấy bưởi da xanh có thể trồng ở miền Bắc, vải thiều trồng ở miền Tây và gà Đông Tảo ở đâu cũng có không? Tức là cây trồng, vật nuôi có thể thích nghi với mọi loại thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Đó là chưa kể nhu cầu ngày càng tăng, sản lượng yêu cầu phải lớn, mẫu mã yêu cầu phải đa dạng nên buộc con người phải sử dụng các giống lai tạo. Ví dụ, mít Thái ra quả quanh năm, nhanh ra quả, năng suất cao. Nhưng đó là trong trường hợp bạn mua cây giống mít Thái ghép về trồng, còn nếu bạn lấy hạt trồng thì chưa chắc đã có trái, hoặc có trái nhưng hạt lận ra ngoài múi, hoặc múi bở như mít mật nhưng ăn không ngọt... Mít Thái nói riêng và những loại cây ăn quả ngắn ngày nói chung hiện nay là giống cây lai ghép, nó sẽ bị thoái hóa giống ngay từ đời F2, nếu tiếp thì không còn khả năng duy trì nòi giống.

Hoặc ví dụ như các giống lúa lai tạo ngày nay có năng suất cao, có thời vụ ngắn, thơm hơn, dẻo hơn lúa gạo truyền thống. Cứ vài năm, các giống lai tạo này lại được thay thế bằng các giống lai tạo khác. Nếu tiếp tục dùng hạt lúa thu hoạch ngoài đồng và tiếp tục gieo trồng thì sẽ không giữ được năng suất cao, không chịu nổi sâu bệnh, phải dùng nhiều thuốc và phân bón hơn, thậm chí là lúa không ra bông, nếu ra bông thì cơm không ngon nữa. Vì vậy, mỗi người nông dân lại phải mua giống F1 chứ không thể dùng các thế hệ F2 về sau làm giống.

Hoặc như bây giờ, giống gà ta (gà ri) thuần chủng rất hiếm. Nếu là gà ta thì thường được lai với gà chọi, gà Đông Tảo, Tam Hoàng… Khi lai tạo như vậy thì tính thuần chủng không còn và sức đề kháng yếu đi nên phải tăng cường kháng sinh, các loại thức ăn tăng trọng thì con gà mới chống chọi được với bệnh tật để sống sót và lớn được.

Cơ hội nào cho nông nghiệp sạch?

Như phân tích trên đây thì cơ hội cho nông nghiệp sạch không còn? Làm nông nghiệp sạch không có khả năng tồn tại? Câu trả lời là: "Có, làm được!", nhưng không dễ và lợi nhuận không nhiều, không nhanh như kiểu nuôi trồng quy mô công nghiệp sử dụng chủ yếu kháng sinh và chất tăng trưởng. Có một số cách làm như sau:

Nếu bạn không xen canh, không chăn nuôi thì cũng đừng cuốc cỏ và cũng đừng xịt thuốc diệt cỏ, chỉ xịt một vài lần thuốc sâu ăn lá/đục thân trong năm là được. Trong thuốc diệt cỏ có thành phần chất dioxin (chất độc da cam), một loại chất kịch độc, nếu bạn sử dụng coi như bạn tự đầu độc mình. Tôi đi nhiều vườn xoài, bưởi, mít, chôm chôm, thanh long thấy người ta dùng thuốc xịt cỏ lưu dẫn đến cả một bụi tre lớn mà cũng cháy trắng mà thấy rùng mình sởn gai ốc. Cỏ có tác dụng giữ ẩm vào mùa khô, chống xói mòn vào mùa mưa. Cứ 3 - 6 tháng, bạn đưa máy cắt đi cắt cỏ một lần và tấp vào gốc cây để tăng độ mùn, độ xốp cho cây, mỗi lần bón phân đạm chỉ cần lật lớp cỏ khô đó lên và bỏ xuống rồi lại đậy vào. Riêng việc làm này, mỗi năm, bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phân bón và thuốc diệt cỏ. Nhưng làm nông nghiệp mà chỉ trông chờ vào một nguồn thu duy nhất (ví dụ như trái cây, vật nuôi), nếu bạn không thúc thật nhanh để lấy sản lượng thật lớn thì khả năng sập tiệm vẫn rất cao, chắc là trên 90%.

Hãy trồng xen canh cây ăn trái và cây ngắn ngày! Những vườn cây ăn trái thường trồng khá thưa, bạn có thể trồng xen canh bắp, các loại cây họ đậu, lạc, bí đỏ… sẽ rất hiệu quả. Sau khi thu hoạch xong, bạn tấp xác các loại cây ngắn ngày này vào gốc cây ăn trái thì bảo đảm cây tươi tốt bạt ngàn, thậm chí còn phải hãm bớt. Bằng việc làm này, mỗi năm, bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mua phân bón và thuốc diệt cỏ như phương án 1 và có thêm khoản thu kha khá từ những loại cây ngắn ngày. Khả năng sống sót và có lời kha khá, cỡ trên 50%.

Nên kết hợp cây ăn trái với cây ngắn ngày và chăn nuôi. Thay vì xịt thuốc cỏ, bạn có thể tận dụng nguồn cỏ dại trong vườn của mình làm thức ăn chăn nuôi dê, bò, heo rất hiệu quả. Cây ngắn ngày vừa là nguồn thu nhập vừa là nguồn thức ăn cho vật nuôi, phân vật nuôi bón cây vô cùng hiệu quả và đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, nếu nuôi gà thả vườn ăn cỏ dại này sẽ giúp giảm lượng thức ăn, giảm bệnh tật, tăng sức đề kháng vượt trội so với gà nuôi nhốt trong nhà tôn và cho ăn cám công nghiệp. Kết hợp cây lâu năm, cây ngắn ngày, chăn nuôi sẽ cân bằng lại hệ sinh thái, làm phát triển các loại thiên địch... sẽ giảm được rất nhiều công chăm sóc và chi phí đầu tư. Làm theo mô hình này khả năng sống sót và làm giàu từ nông nghiệp tử tế rất cao, cỡ trên 90%. 

Đọc đến đây, nhiều người sẽ gửi tặng tôi những câu nói kiểu như “Thánh bàn phím, kinh doanh đĩa bay…”. Tôi không hề ngạc nhiên về những câu nói kiểu này vì đến bạn bè thân quen và chính bản thân tôi lúc đầu cũng không nghĩ mình làm nông nghiệp sạch có thể sống được trong thời đại fast food lên ngôi này. Nhưng nếu có dịp, tôi mời bạn đến thăm một trong 18 nông trại của chúng tôi ở khắp miền Nam sẽ thấy những gì chúng tôi đang làm.

Vậy tóm lại là cây trồng có xịt thuốc sâu không? Vật nuôi có cho ăn cám công nghiệp không? Câu trả lời là có nhưng phải bảo đảm liều lượng cho phép, hạn chế tối đa và thời gian cách ly đủ dài thì không sao cả. Ví dụ như xoài của chúng tôi mỗi năm chỉ cho ra trái từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 sang năm; gà chúng tôi mua loại 80 ngày tuổi đã đầy đủ kháng sinh và vaccine từ các trang trại nuôi công nghiệp sau đó về nuôi cho ăn lúa, bắp hạt và đặc biệt là bắp sữa nguyên trái. Nuôi thêm khoảng 80 - 100 ngày nữa thì gà mới được xuất chuồng. Rất tiếc, hiện tại đa số làm nông nghiệp không chịu tôn trọng quy trình đó.

Mai Quốc Bình