Luật Chống hối lộ các quan chức nước ngoài của Mỹ

Văn hóa “hoa hồng”

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 09:23 - Chia sẻ
Ngày nay, nước Mỹ là một trong những nước ít tham nhũng nhất thế giới. Nhưng có lẽ ít người biết, và thậm chí ngay nhiều người Mỹ cũng quên rằng cách đây một thế kỷ nước Mỹ là một quốc gia vô cùng tham nhũng. Không chỉ trong lĩnh vực công, các vụ mua chuộc, các khoản tiền “bôi trơn”, văn hóa “hoa hồng” đã trở thành một phần tất yếu của giới kinh doanh Mỹ, buộc Quốc hội nước này cuối cùng phải vào cuộc với sự ra đời của Luật Chống hối lộ các quan chức nước ngoài (FCPA).

Kết quả điều tra của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) giữa thập kỷ 1970 cho thấy, trên 400 công ty Mỹ thừa nhận đút lót hơn 300 triệu USD cho các quan chức chính phủ, chính trị gia và đảng phái nước ngoài. Hành vi này diễn ra ở nhiều cấp độ, từ việc “bôi trơn” nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động làm ăn đến hối lộ quan chức cấp cao để đổi lấy một số “ưu ái” của chính phủ nước ngoài. Đơn cử, vụ bê bối của tập đoàn sản xuất hàng không vũ trụ Lockheed Martin hay vụ bê bối Bananagate. Đây là hai trong số những vụ hối lộ đình đám đã đưa đến sự ra đời của FCPA.

Những vụ hối hộ tai tiếng

Lockheed là một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới được thành lập vào năm 1912. Cho đến nay, Lockheed còn được biết tiếng như một trong những hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng được ngành hàng không nhiều quốc gia sử dụng rộng rãi như thế hệ máy bay cánh quạt chở khách xuyên lục địa Constellation, máy bay phản lực chở khách L-1011, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules, các loại máy bay phản lực chiến đấu F-86, F-104, F-117 (tàng hình), máy bay do thám U-2 và SR/71...

Tuy nhiên, để bán được các máy bay này với số lượng lớn, Lockheed không chỉ sử dụng các phương tiện quảng cáo, vận động hành lang mà còn sử dụng cả tiền bạc để đưa hối lộ. Từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỷ XX, để ký được các hợp đồng bán các máy bay quân sự và dân sự, hãng chế tạo máy bay Lockheed của Mỹ đã tiến hành đưa hối lộ lên đến hàng chục triệu USD cho các quan chức cao cấp, các nhân vật nổi tiếng của nhiều quốc gia, trong đó có cả bộ trưởng, thủ tướng và hoàng thân. Những vụ hối lộ có tổ chức này bắt đầu được điều tra từ năm 1975 và trở thành vụ scandal trong ngành hàng không thế giới mà di chứng còn kéo dài đến tận năm 2004.

Tiết lộ của một viên chức làm việc tại Hãng Hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật về việc lãnh đạo ANA nhận hối lộ để ký hợp đồng mua máy bay chở khách loại L-1011 của Lockheed, đã hé lộ các vụ mua chuộc có tổ chức của hãng chế tạo máy bay danh tiếng này. Không chỉ tại Nhật, mà cả tại Italy, Đức, Hà Lan cũng xôn xao về hành động đưa hối lộ của Lockheed. Đây chính là nguyên nhân khiến Quốc hội Mỹ phải tổ chức điều tra.

Từ tháng 3.1975, Quốc hội Mỹ quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt do nghị sĩ Frank Church phụ trách (còn gọi là Ủy ban Church) để điều tra về vụ tai tiếng. Đến tháng 4.1976, Ủy ban Church đưa ra kết luận là nhiều quan chức lãnh đạo của Lockheed đã sử dụng một số tiền lên đến 22 triệu USD để hối lộ cho các quan chức cao cấp của nhiều quốc gia cùng một vài nhân vật nối tiếng để những người này vận động cho Lockheed được chấp thuận ký kết các hợp đồng bán máy bay với số lượng lớn.

Tại Tây Đức, Ernest Hauser, một chuyên gia vận động hành lang của Lockheed đã khai với Ủy ban Church rằng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tây Đức Franz Josef Strauss và đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) cầm quyền đã nhận hối lộ 10 triệu USD để tác động đến Thủ tướng Konrad Adenauer chấp thuận mua 900 chiến đấu cơ phản lực F-104 G của Hãng Lockheed vào năm 1961. Tuy nhiên, cả đảng CSU và  ông Strauss đều phủ nhận cáo buộc này.

Tại Italy, một cuộc điều tra phối hợp giữa Ủy ban Church và Quốc hội Italy đã đưa ra ánh sáng việc một số chính trị gia của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC) cầm quyền, trong đó có nghị sĩ Giovanni Leone, người sau này trở thành Tổng thống Italia vào năm 1976, nhận hối lộ 5 triệu USD của chi nhánh Hãng Lockheed tại Italy để Chính phủ nước này chấp thuận cho Không quân Italy mua 30 máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Hãng Lockheed vào năm 1968. Kết quả điều tra đã buộc Tổng thống Giovanni Leone từ chức vào năm 1978.

Tại Nhật, cuộc điều tra của Ủy ban Church đã đưa đến vụ bắt giữa cựu Thủ tướng Tanaka, người sau đó phải chịu án 4 năm tù giam về tội nhận hối lộ.

Còn tại Mỹ, cuộc điều tra của Ủy ban Church đã buộc Daniel Haughton, Chủ tịch và Carl Kotchian, Tổng Giám đốc Hãng Lockheed phải từ chức để bị truy tố về tội đưa hối lộ có tổ chức và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Những vụ hối lộ có tổ chức của Hãng Lockheed không chỉ trở thành tai tiếng trong lịch sử ngành hàng không thế giới mà còn khiến các nhà làm luật ở Mỹ gấp rút soạn thảo và thông qua đạo luật chống hối lộ các quan chức nước ngoài (Foreign Corrupt Practices Act - FCPA) vào năm 1977.

Năm 1975, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) phát hiện ra vụ Công ty United Brands, chuyên xuất khẩu chuối và nông sản, đã hối lộ Tổng thống Honduras Oswaldo López Arellano với tổng số tiền 2,5 triệu USD để tránh chịu mức thuế cao đối với chuối xuất khẩu. Chính United Brands cũng thừa nhận đã “thưởng” cho một số nhân vật chính trị châu Âu (khoản tiền lên đến 800.000 USD) để tỏ lòng biết ơn về sự “thông cảm” của họ, giúp cho công ty này có thể chở chuối “Chiquita” tới các thị trường châu Âu dễ dàng hơn, bất chấp những quy định hạn chế kiểu nhập khẩu này và dành ưu tiên cho những thứ quả đến từ các nước liên kết với thị trường châu Âu. Vụ bê bối Bananagate cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy sự ra đời của FCPA.

Văn hóa “hoa hồng”

Các nước phương Đông cũng như phương Tây không còn xa lạ gì với tập quán “hoa hồng”. Trong phần lớn các trường hợp, đây là một tập quán đã được thể chế hóa, thậm chí hợp pháp hóa. Tại sao phải công phẫn về những vụ hối lộ chính trị - thương mại ấy, khi một nhân vật hàng đầu như một nhân vật cấp cao tại Bộ Quốc phòng Mỹ Hoening từng tuyên bố công khai vào tháng 7.1974, trong một bài diễn văn trước cán bộ của các doanh nghiệp điện tử rằng: “Điều cốt yếu là phải giành cho được sự ủng hộ của những nhân vật có thế lực (…). Nếu cần, thì cứ rót những khoản tiền lớn theo tỉ lệ của thị trường tiềm tàng cho những nhân vật có quan hệ gần gũi với chính phủ và có khả năng đưa ra những can thiệp có lợi”.

Những khoản hoa hồng “hợp pháp” này thường chiếm từ 15 - 20% tổng giá trị bán ra, sẽ “bị lạc” vào mê cung của các ngân hàng Thụy Sĩ, Panama hay Luxembourg; những người được hưởng là những người “có thế lực” sau cùng… chính là người bán và bằng cách đó các doanh nghiệp chiếm lại được ở nước ngoài kết quả những hy sinh của mình.

Tuy nhiên, sự ra đời của FCPA đã chặn đứng văn hóa đáng xấu hổ này, trả lại sân chơi cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp và làm trong sạch môi trường kinh doanh.

Quốc Đạt