Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT ở Đồng Nai

Vận dụng mọi nguồn lực để đạt mục tiêu

- Thứ Tư, 23/10/2019, 08:35 - Chia sẻ
Tại hội nghị chuyên đề về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã yêu cầu lãnh đạo UBND 11 huyện, thành phố trực thuộc và các sở, ngành liên quan phải vận dụng mọi nguồn lực để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, cũng như thực hiện tốt những chính sách này.

Tỷ lệ bao phủ BHYT chưa cao

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Đồng Nai, tính đến hết ngày 30.9.2019, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 2.516.207 người (tăng 20.385 người so với năm 2018). Số người có thẻ BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 82,3% dân số, thấp hơn 4,2% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 4,8% so với chỉ tiêu của tỉnh giao. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 811.780 người, cao hơn 0,3% so với chỉ tiêu của tỉnh giao. Tổng số thu là 15.042,9 tỷ đồng, đạt 74% so với kế hoạch. Tổng số nợ là 495,5 tỷ đồng, chiếm 2,44% kế hoạch thu.


Đồng Nai đang tăng cường phát triển đối tượng tham gia Ảnh: Ngô Tiến Dũng

Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cho biết, BHXH tỉnh luôn xác định nhiệm vụ phát triển đối tượng, mở rộng độ bao phủ là nhiệm vụ cốt lõi; thường xuyên rà soát đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT và chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban liên quan phối hợp thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT 9 tháng năm 2019 vẫn thấp, không chỉ thấp hơn 4,8% so với chỉ tiêu tỉnh giao mà còn thấp hơn khoảng 7,4% so với mức bình quân chung toàn quốc. Trong đó, một số huyện đạt tỷ lệ dưới 80% như Định Quán (75%), Xuân Lộc (79,8%), Tân Phú (79,7%)...

Về phát triển BHYT đối với học sinh, sinh viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh rất nhiều trường đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT. Song, số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào các trường trung cấp, trường cao đẳng nghề thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; có nhiều trường tỷ lệ tham gia BHYT chỉ đạt 30 - 40%. Do đó, đã kéo tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT trên địa bàn xuống còn 97%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp cũng bày tỏ lo ngại về công tác phát triển người tham gia BHYT những tháng cuối năm trên địa bàn. Bởi để đạt được chỉ tiêu bao phủ BHYT do tỉnh giao là 87,1%, riêng 3 tháng cuối năm BHXH tỉnh phải vận động người dân đăng ký khoảng 148.000 thẻ BHYT. Để hoàn thành kế hoạch này, ngoài nỗ lực cao nhất của ngành BHXH, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.

Quyết liệt trong xử lý vi phạm

 Đầu tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 3114/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020. Từ năm 2021, chủ trì đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đề xuất UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành, trung ương về những vấn đề không thuộc thẩm quyền xử lý của tỉnh.

Ghi nhận BHXH tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định, việc phát triển người tham gia BHXH, địa phương thực hiện khá tốt, tỷ lệ nợ BHXH ở Đồng Nai cũng khá thấp, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và các địa phương lân cận. Tuy vậy, số nợ BHXH cục bộ còn cao và thời gian nợ kéo dài, tập trung vào một số doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý nợ để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

 Để phát triển người tham gia đạt chỉ tiêu của tỉnh là 87,1% dân số có BHYT vào cuối năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các ngành chức năng vận dụng tất cả nguồn lực để phát triển người tham gia BHYT, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ BHYT cho những trường hợp khó khăn. Trên cơ sở đó, xây dựng, sử dụng chính sách hiệu quả để hỗ trợ người dân. Lãnh đạo địa phương phải có giải pháp quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tạo mạng lưới chân rết để vận động người dân tham gia BHYT.

Đối với BHYT học sinh, sinh viên, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH tỉnh nâng cao trách nhiệm; có các giải pháp để giải quyết tình trạng tham gia BHYT còn “ì ạch” ở các trường cao đẳng, trường trung cấp nghề. Đồng thời, đề nghị  ngành lao động, thương binh và xã hội đưa ra các chỉ tiêu đánh giá đối với các trường, để thúc đẩy việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên.

Chủ tịch Cao Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, cán bộ BHXH phải xem lại cách làm của mình để vận động từng gia đình, từng đối tượng tham gia. Cán bộ tâm huyết gần dân thì việc vận động sẽ tốt hơn rất nhiều. “Ai cũng biết là có BHYT thì yên tâm hơn rất nhiều, nhưng cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhiều người dân chưa tham gia BHYT. Liệu chúng ta đã đưa chính sách đến với người dân hay chưa? Người dân đang còn thắc mắc, phân vân chỗ nào? Ví dụ, người dân phải đợi đến mùa vụ thì mới có tiền để mua BHYT, vậy ai là người theo dõi và bám sát việc này?” - ông Cao Tiến Dũng đặt câu hỏi.

Lan Chi