Vận động bầu cử: Quy trình chuyên nghiệp

- Thứ Sáu, 13/05/2011, 07:36 - Chia sẻ
Vận động tranh cử nhằm thuyết phục càng nhiều cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên hoặc cho đảng càng tốt. Chính vì vậy, việc tổ chức và các kỹ thuật vận động tranh cử được chuẩn hóa, theo quy trình chuyên nghiệp, quy củ.

Thông thường các đảng và ứng cử viên đều có người chuyên lo vận động tranh cử, số lượng có khi chỉ có một người, nhưng cũng có lúc lên đến hàng chục nhân viên chuyên nghiệp. Những người này sẽ lo chuyện làm thế nào chuyển tải thông điệp đến cử tri, tuyển tình nguyện viên, quyên góp tiền, liên hệ với báo chí, tổ chức các sự kiện…Tất cả những công việc, cách thức tiến hành được lên kế hoạch với mục tiêu của đợt vận động tranh cử, thông điệp chính, đối tượng vận động, các nguồn lực thực hiện.

Đội quân này được tổ chức chặt chẽ, với sự phân công vị trí, công việc từ trên xuống dưới, sự trao đổi thông tin liên tục, thông suốt để làm sao diện lan tỏa và mức độ tác động của vận động tranh cử được cao nhất. Thông thường, có một người quản lý chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động vận động tranh cử, là nhân vật nổi bật sau ứng cử viên. Tuy nhiên, nhân vật này nhiều khi chỉ thực hiện chiến lược vận động do các hãng tư vấn chính trị được thuê vạch ra. Các hãng tư vấn tiến hành nghiên cứu ứng cử viên, nghiên cứu cử tri, các đối thủ và tư vấn cho đảng, ứng cử viên hầu như về mọi hoạt động.

Mặt khác, ở những nước như Mỹ, Canada, hoạt động vận động tranh cử thường được chuyên nghiệp hóa, ngày càng có nhiều hãng chuyên cung cấp dịch vụ xây dựng và tiến hành vận động tranh cử hiệu quả cho các đảng phái và ứng viên. Hoạt động của các hãng này cũng nằm trong vòng điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật bầu cử và các mảng pháp luật liên quan như luật công ty, luật hợp đồng…

Thông điệp tranh cử là một trong những nội dung rất được chú ý trong khi vận động tranh cử ở các nước. Đó là một vài điểm nhấn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, ăn sâu vào trí não và con tim người nghe, chứa đựng những tư tưởng chính mà ứng viên muốn chia sẻ với cử tri. Thông điệp được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần nhằm tạo và giữ ấn tượng trong cử tri. Hầu hết các đảng và ứng viên đều cố gắng tạo ra những thông điệp có diện bao quát rộng nhằm thu hút các cử tri tiềm năng.

Các công cụ, kỹ thuật hay được sử dụng để vận động tranh cử gồm: trả tiền để quảng bá về đợt vận động tranh cử trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, tivi; sử dụng báo chí (cả tư nhân - phải trả tiền và báo chí công – không phải trả tiền) để quảng bá hình ảnh của đảng hoặc ứng viên, ví dụ ông A, bà B sẽ làm điều này, điều nọ nếu trúng cử; tổ chức các sự kiện công cộng như các buổi diễn thuyết ngoài trời, các cuộc diễu hành, tuần hành, mitinh; phát hành các loại tài liệu quảng bá như tờ rơi, báo, thư từ, bản tin; tổ chức các cuộc tham quan; bố trí các điểm quảng bá; bán đồ lưu niệm v.v…

Ở nhiều nước, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên là một nét đặc thù không thể thiếu trong quá trình vận động tranh cử. Thông thường, các cuộc tranh luận này được truyền hình trực tiếp, diễn ra nhiều phiên, được các bên rất coi trọng vì tác động lớn đến thái độ tiếp nhận của cử tri về đảng hoặc ứng cử viên.

Đặc biệt, Internet đã trở thành công cụ then chốt trong quá trình vận động tranh cử đối với cả đảng và ứng cử viên ở nhiều nước. Các công nghệ truyền thông như e-mail, các trang web, podcast đã thúc đẩy việc giao lưu nhanh hơn, rộng hơn, đến được số lượng lớn cử tri. Không những thế, ngày càng nhiều đảng phái và ứng cử viên sử dụng các dạng truyền thông mới như blog, mạng xã hội để vận động cử tri, quyên góp tiền, tuyển tình nguyện viên. Internet với chi phí thấp, hiệu quả cao đã chứng minh tính hữu dụng trong việc vận động tranh cử.

Nguyên Lâm