Vận động bầu cử: Giới hạn của tranh cử

- Thứ Sáu, 13/05/2011, 07:36 - Chia sẻ
Pháp luật về bầu cử ở New Zealand quy định chi tiết, ứng cử viên được làm gì, không được làm gì trong vận động tranh cử. Một trong những điều cần nhớ nhất là ứng cử viên không được vận động vào đúng ngày bầu cử; nếu vi phạm, đó được coi là tội phạm hình sự. Trưởng Văn phòng bầu cử sẽ xem xét hoặc chuyển cho Cảnh sát New Zealand xem xét những trường hợp vi phạm như vậy.

Pháp luật bầu cử New Zealand quy định chi tiết những gì ứng cử viên (và các đảng) không được làm vào ngày bầu cử. Chẳng hạn, trước ngày bầu cử, ứng cử viên phải dỡ bỏ hoặc che phủ mọi phương tiện quảng bá hình ảnh của ứng cử viên nơi công cộng, kể cả các biểu tượng quảng bá tranh cử trên các phương tiện đi lại. Nếu không, nhân viên của cơ quan phụ trách bầu cử có quyền dỡ bỏ, che phủ và phạt tiền ứng cử viên vi phạm. Các tài liệu, tư liệu tranh cử trên website không cần phải dỡ bỏ, nhưng vào ngày bầu cử không được đưa các tư liệu mới lên, cũng như không được đăng tải quảng cáo về website.

Vào ngày bầu cử, ứng cử viên và những người ủng hộ có thể đeo phù hiệu, huy hiệu đảng trước ngực nơi công cộng, nhưng không được gắn chúng lên những nơi khác. Không được trưng bày quần áo, mặc đồ (ví dụ như áo phông) quảng bá cho đảng hoặc ứng cử viên vào ngày bầu cử. Ứng cử viên đến địa điểm bỏ phiếu chỉ để bỏ phiếu, sau đó phải rời điểm bỏ phiếu ngay lập tức.

Mỗi ứng cử viên được chi nhiều nhất là 20 ngàn đô la cho tranh cử. Không phải mọi khoản chi đều được coi là chi phí tranh cử, mà chỉ các khoản chi cho việc quảng bá do ứng cử viên tiến hành trong vòng ba tháng trước ngày bầu cử nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên đó hoặc nhằm thuyết phục cử tri không bỏ phiếu cho ứng cử viên khác hoặc đảng khác. Chẳng hạn, các khoản chi in ấn, bưu chính được coi là chi phí tranh cử, trong khi đó, ác khoản chi cho đồ ăn, đi lại, thuê địa điểm, khảo sát dư luận không được coi là chi phí tranh cử.

Nếu ứng cử viên đồng thời đại diện cho một đảng khi vận động tranh cử, cần liên hệ chặt chẽ với văn phòng đảng để phân định đâu là hoạt động quảng bá của đảng và đâu là quảng bá của cá nhân ứng cử viên, từ đó tính đúng các chi phí tranh cử của đảng và ứng cử viên.

Đối với việc quảng bá trên truyền hình hoặc đài phát thanh, ứng cử viên được sử dụng trong vòng ba tháng trước ngày bầu cử và không được nhường quyền này cho ứng cử viên khác. Họ có thể đưa thông tin về đảng mà mình tham gia và các chính sách của đảng với mục đích quảng bá cho cá nhân họ, nhưng không được công kích chính sách của đảng khác hoặc ứng cử viên khác. Đặc biệt, khi quảng bá cho cá nhân mình, ứng cử viên không được gây nhầm lẫn khiến cử tri bỏ phiếu cho đảng, vì việc quảng bá cho đảng được quy định bởi những điều khoản khác.

Việc quảng bá trên báo viết hoặc những hình thức như dựng pano quảng cáo được tính vào chi phí tranh cử. Ở đây, ứng cử viên có thể quảng bá vận động bỏ phiếu cho đảng, và đảng cũng có thể vận động bỏ phiếu cho cá nhân ứng cử viên khi quảng bá về đảng. Nhưng như đã nói, hai phía cần phân định rõ để tính đúng các chi phí tranh cử của đảng và cá nhân ứng cử viên.

Các ứng cử viên được phép tổ chức các cuộc mittinh miễn phí tại các trường phổ thông công lập (chỉ phải trả tiền điện, lau dọn, hoặc sửa chữa nếu để xảy ra hư hỏng đồ đạc). Ứng cử viên phải đăng ký trước ba ngày với lãnh đạo trường và được duyệt trên cơ sở “ai đến trước thì được trước”.

Việc phát đồ ăn, đồ uống miễn phí với mục đích “mua phiếu” được coi là phạm tội hình sự. Trong trường hợp bị phát hiện và chứng minh có tội, ứng cử viên sẽ bị mất ghế nếu trúng cử, không được ứng cử trong vòng ba năm, có thể bị phạt tù một năm và nộp phạt 4.000 USD.

Minh Thy