Theo dòng sự kiện

Vấn đề quan trọng là nguồn lực

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:07 - Chia sẻ
“Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng lõi nghèo của cả nước thì bất kỳ chính sách nào của Đảng, Nhà nước dành cho đều là cần thiết”. ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đã mở đầu phần phát biểu của mình như vậy khi đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận sáng qua về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Hơn cả sự cần thiết, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) nói rằng, việc Quốc hội xem xét, quyết định Đề án còn có “ý nghĩa chính trị quan trọng” nhằm thực hiện thẩm quyền hiến định tại Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước.

Khẳng định “sự cần thiết” và “ý nghĩa chính trị quan trọng” là “âm hưởng” xuyên suốt toàn bộ phát biểu của 27 ĐBQH về Đề án, và vẫn còn gần 30 đại biểu đăng ký chưa được phát biểu. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu nhiều, lại về một vấn đề luôn giành được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước, nên như chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, là “điều khiển phiên họp này thực sự phải rất thận trọng, cân nhắc nhiều mặt”. Bởi lẽ, “riêng giới thiệu đại biểu đã là thực hiện chính sách bình đẳng và đoàn kết các dân tộc ngay trong kỳ họp của chúng ta”. Điều này lý giải tại sao, trong quá trình điều hành, có Đoàn ĐBQH có thể có 3 đại biểu phát biểu, vì “3 đại biểu đó đều đại diện cho các dân tộc rất hiếm, quý và chỉ có một đại biểu trong QH”. Chính vì lẽ đó, mong muốn của Phó Chủ tịch Thường trực QH là “các đại biểu phát biểu ngắn gọn hơn một chút để tiết kiệm được phút nào hay phút đấy”.

Quán triệt tinh thần này, hầu hết các phát biểu của đại biểu đều khá ngắn gọn và tập trung, đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phân tích nguyên nhân, đồng thời đề xuất giải pháp làm thế nào để từng chính sách, nội dung trong Đề án, nếu được QH thông qua sẽ bảo đảm tính khả thi ở mức cao nhất.

“Vấn đề quan trọng để Đề án được thực thi hiệu quả trong cuộc sống là nguồn lực”. Trực diện thẳng vào gốc rễ của vấn đề, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị: Quốc hội, Chính phủ cần xác định và dành nguồn lực cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn cho từng dự án được nêu trong đề án, tránh tình trạng chính sách ban hành mà không cân đối được nguồn lực thực hiện.

ĐBQH Y Khút Niê (Đắk Lắk) đồng tình với giải pháp “huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội” để thực hiện Đề án, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng và nguồn ngân sách nhà nước là quyết định. Đặc biệt, để bảo đảm tính khả thi, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, ĐB Y Khút Niê đề nghị “việc huy động mọi nguồn lực đầu tư phải tập trung một đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành một đầu mối, mỗi lĩnh vực phân tán, mạnh ai nấy làm, làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả của Đề án cũng như gây khó khăn cho việc đánh giá thực hiện”. Cụ thể với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ĐB Y Khút Niê cho rằng, từ Trung ương đến địa phương nên “phân bổ theo tỷ lệ phần trăm thích hợp, hoặc theo số tuyệt đối đã được phân kỳ đầu tư hàng năm của dự án vào hạng mục ngân sách hàng năm để cơ quan thực hiện Đề án chủ động tổ chức triển khai thực hiện một cách thuận lợi nhất”.

Theo Đề án, việc phân kỳ đầu tư nguồn lực được chia làm hai giai đoạn: 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sẽ phân bổ kinh phí trên 2/3 tổng dự toán cho chu kỳ của Đề án từ 2021 - 2030 với số tiền 234.795 tỷ đồng. 1/3 còn lại cho giai đoạn 2026 - 2030 với số tiền trên 100.626 tỷ đồng. Cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư nguồn lực để thực hiện Đề án thành hai giai đoạn, song ĐB Y Khút Niê cũng đề nghị, Chính phủ cần tính toán lại một cách khoa học, hợp lý gắn với cơ sở thực tiễn, bảo đảm sử dụng nguồn vốn và sự phân kỳ này thật hợp lý, đem lại hiệu quả cao nhất khi đề án kết thúc.

Có thể hiểu sự chi tiết và kỹ lưỡng của các đại biểu. Vì rằng, hiện có tới 118 văn bản chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hiệu lực, nhưng đa số chính sách này lại “thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn dàn trải, chồng chéo, chậm được tích hợp lồng ghép và do nhiều bộ, ngành quản lý phân tán theo từng lĩnh vực”.

Vậy nên, một trong những quan điểm nhận được sự đồng tình của các đại biểu, đó là xây dựng Đề án này để tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Như cách nói của ĐB Bế Minh Đức, nếu có chính sách mà không bố trí được nguồn lực, thì chính sách cũng chỉ… “nằm trên giấy”, và đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn lại phải chờ…

Lam Giang