Giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật

Văn bản nhiều nhưng khó áp dụng?

- Thứ Tư, 07/08/2019, 19:39 - Chia sẻ
Chúng ta ban hành rất nhiều luật, nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng đã xuống cơ sở, xuống địa phương để kiểm tra xem chính sách được thực hiện thế nào chưa, có vào được cuộc sống hay không? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại Phiên giải trình về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức sáng qua. Soi chiếu việc thực hiện, các đại biểu chỉ rõ, hệ thống chính sách, pháp luật đã tương đối toàn diện, bao phủ tương đối tốt nhưng nhiều chính sách vẫn rất khó áp dụng trong thực tế.

Chính sách, pháp luật tương đối toàn diện

Chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi và người khuyết tật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Chính phủ, QH ban hành trên 16 bộ luật, luật; 40 nghị định, nghị quyết của Chính phủ; 26 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 61 thông tư, thông tư liên tịch có liên quan đến lĩnh vực này, trong đó, có các văn bản quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...


Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp
Ảnh: T. Bình

Tính đến ngày 31.12.2018, cả nước có 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số, trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên; 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng. Thời gian qua, các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát, lập danh sách người khuyết tật, thực hiện xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật cho trên 1,5 triệu người để làm căn cứ giải quyết chính sách trợ giúp xã hội. Cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,7 triệu người cao tuổi; 1,1 triệu người khuyết tật; khoảng 20.000 người cao tuổi, người khuyết tật đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức chuẩn trợ cấp xã hội tối thiểu là 270.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay về cơ bản đã tương đối toàn diện, bao phủ tương đối rộng, quy định chi tiết về chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc sức khỏe; chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với người cao tuổi, người khuyết tật; chúc thọ, mừng thọ, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi. Các văn bản ban hành bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, quy trình, thủ tục ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật.

Tham gia giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước của đơn vị mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Chung, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Xây dựng, Giáo dục - Đào tạo, Giao thông - Vận tải... cũng khẳng định, đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, thậm chí, như đại diện một bộ cho biết “nhiều lắm, tôi không trình bày lại để khỏi mất thời gian của quý vị”.

“Báo cáo thì ngon lành đấy...”

 “Tôi dành thời gian đọc rất kỹ các báo cáo mà các đồng chí gửi đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Ở đây, các đồng chí nói chính sách, pháp luật vào cuộc sống rất “ngon lành”. Nhưng chúng tôi đi giám sát thực tế thì không phải như vậy”,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi phản biện và đặt câu hỏi: “Các đồng chí có xuống cơ sở kiểm tra xem thế nào không?”.

Chia sẻ quan điểm này, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những điểm “vênh” giữa chính sách và thực tiễn. Đơn cử như việc Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. Báo cáo của Bộ này khẳng định, đánh giá từ công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng thì việc áp dụng Quy chuẩn về “cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ”. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Nhưng thống kê của chính Bộ Xây dựng lại cho thấy, đến nay cả nước mới chỉ có 22,6% số công trình y tế, 20,8% số công trình giáo dục, 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày, 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan, 5,7% siêu thị, 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu, 7,5%, nhà dưỡng lão, câu lạc bộ hưu trí và 2% ngân hàng bảo đảm tiếp cận đối với người khuyết tật, người cao tuổi. Rõ ràng, thực tế chưa đạt được như kỳ vọng của chúng ta khi ban hành chính sách. “Từ thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy rõ điều này”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.

Cũng “soi” chính sách từ góc nhìn thực tiễn và đặt ra câu hỏi tương tự như Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh khẳng định: Văn bản, nghị quyết ban hành nhiều nhưng không ít trong số đó áp dụng vào thực tế rất khó. Ví dụ, dù Luật Người khuyết tật đã quy định nhưng thực tế, không có doanh nghiệp nào lại “dại dột” đi nhận 30% tổng số người lao động là người khuyết tật vào làm việc bởi các chính sách ưu đãi chưa đủ sức hấp dẫn còn những doanh nghiệp không thực hiện quy định này cũng chẳng bị chế tài nào cả.

Nhiều đại biểu cũng có cùng băn khoăn như Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh Hoàng Thị Khánh khi chỉ ra rằng, Nhà nước luôn ưu tiên cao nhất trong khả năng cho phép để thực hiện chính sách trợ cấp đối với người cao tuổi, người khuyết tật nhưng mức trợ cấp hiện nay là quá thấp.

Yếu nhất là khâu thực hiện?

Thừa nhận thực tế được các đại biểu chỉ ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, “yếu nhất là khâu thực hiện chính sách chưa thực sự tốt”. Cụ thể là, các cơ sở, xã phường, các cơ quan, đơn vị chưa thực thi tốt. Ông Dung phân tích, thực thi yếu ở 3 lẽ. Một là, nhận thức của một bộ phận chưa tốt, còn coi người khuyết tật là gánh nặng. “Đây là cái rất xấu, rất cần phải lên án. Coi người khuyết tật là bộ phận để chăm lo làm từ thiện chứ không coi đó là trách nhiệm của xã hội. Do đó buông lỏng ở một số nơi”. Hai là chính sách có rồi nhưng tổ chức thực hiện chính sách chưa nghiêm, “nhiều nơi lơ mơ lắm”. Các chính sách trợ giúp người khuyết tật đều có cả nhưng tổ chức thực hiện thì không chú ý, nhiều địa phương thậm chí còn không biết có chính sách. Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra có chú ý nhưng chưa đúng mức và đặc biệt là xử lý, xử phạt vi phạm chưa nghiêm.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ rõ 3 vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Đầu tiên là các chính sách đã có rồi thì dứt khoát phải thực thi cho nghiêm. Tiếp đó là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về người khuyết tật, trong đó, vai trò của các cơ quan truyền thông là rất quan trọng. Cuối cùng là phải điều chỉnh một số chính sách trong thời gian tới. Đối tượng thế nào thì được công nhận là khuyết tật? Mức độ khuyết tật như thế nào thì được giải quyết chính sách ra sao? Đối tượng ở trong cơ sở bảo trợ xã hội thì giải quyết thế nào? Đối tượng ở các cơ sở bảo trợ xã hội có thực hiện xã hội hóa thì chính sách hỗ trợ ra sao? Đối tượng khuyết tật trong gia đình thì cũng phải điều chỉnh như thế nào?

Quỳnh Chi