Bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm

Vai trò quan trọng của chính quyền địa phương

- Thứ Hai, 22/07/2019, 07:40 - Chia sẻ
Trong đợt giám sát lần này, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường không làm việc với nhiều chính quyền địa phương. Riêng tại Nghệ An, Đoàn đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh. Từ thực tế quản lý việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy vai trò quan trọng của chính quyền địa phương.

Trả lời kiến nghị của cử tri bằng hành động cụ thể

Báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện còn 78% số đơn vị cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn chưa được xác nhận hoặc chậm được cấp xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động còn hạn chế, khi có 50% số cơ sở ngành chế biến thực phẩm chưa thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải. Một số cơ sở chưa thực tốt quy định pháp luật trong quản lý tiếng ồn, nước thải, khí thải… với 80/243 cơ sở, tương đương 33% số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng vi phạm, bị xử lý vi phạm hành chính. Số liệu này cho thấy chính quyền địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, để bảo đảm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Song các cơ sở sản xuất cũng phải có ý thức hơn. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh

Đoàn giám sát tổ chức buổi làm việc riêng với UBND tỉnh Nghệ An bởi đây là địa phương có nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp, điểm khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; người dân trên địa bàn đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo về tình trạng một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Và trên hết, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh, Trưởng đoàn giám sát, thông qua làm việc với UBND tỉnh sẽ xây dựng được bức tranh toàn cảnh về quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương, có nhiều ví dụ minh họa cho các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành.

Điều đầu tiên Đoàn giám sát ghi nhận khi làm việc với UBND tỉnh chính là sự quan tâm đến quản lý bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua số lượng nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành cũng tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật, để các cơ sở sản xuất nắm bắt kịp thời, chính xác, từ đó triển khai đúng quy trình, thủ tục liên quan. Với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, nỗ lực đầu tư công trình bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri thời gian gần đây không ghi nhận nhiều ý kiến về ô nhiễm môi trường, trong khi, trước đây “đâu đâu cũng có ý kiến về môi trường”.

Nghệ An cũng không thực hiện rập khuôn theo văn bản chỉ đạo của cấp trên là điều Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhận thấy qua xem xét báo cáo của tỉnh. Đơn cử như, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được cơ quan chức năng tỉnh thực hiện tăng dần qua các năm, song việc xử lý vi phạm tương đối linh hoạt. Trong giai đoạn đầu cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, kết luận thanh tra, kiểm tra chủ yếu nghiêng về khiển trách, nhắc nhở, chỉ xử phạt khi cơ sở đi vào hoạt động được một thời gian dài.


Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty Xi măng Sông Lam

Một chi tiết khác trong báo cáo của UBND tỉnh thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương cho bảo vệ môi trường chính là kinh phí dành cho công tác này. Số lượng kinh phí không chỉ tăng dần hàng năm, mà như ý kiến của đại diện Bộ Xây dựng, con số kinh phí cụ thể dành cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh cũng là “mơ ước” của chính cơ quan trung ương.

Có lẽ điều được Đoàn giám sát quan tâm hơn cả là cách thức triển khai, hiệu quả mang lại của các hoạt động của cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Không chờ cơ quan chức năng báo cáo, từ quá trình giám sát thực hiện công tác dân nguyện, ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn đều quan tâm giải quyết những ý kiến, kiến nghị được Đoàn ĐBQH tỉnh gửi đến sau các cuộc tiếp xúc cử tri. Các cơ quan không chỉ trả lời bằng viện dẫn văn bản pháp luật, mà còn trả lời bằng hành động cụ thể, bằng những cải thiện công nghệ sản xuất của doanh nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Chờ sửa đổi văn bản của cơ quan trung ương

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn Nghệ An, song các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra không ít vấn đề cần được chính quyền địa phương quan tâm trong thời gian tới. Vì theo như Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến, công tác bảo vệ môi trường vừa rộng, vừa phức tạp, liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Ví dụ từ thực tế của Nghệ An cũng không thiếu, khi mà có những khiếu nại, tố cáo của người dân chưa chắc vì cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (?), rồi nguy cơ vỡ đập chứa bùn thải quặng, còn tình trạng doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục, vi phạm về xả thải…

Các thành viên Đoàn giám sát cũng gợi mở, UBND tỉnh nên quan tâm đánh giá hiệu quả công tác của bộ máy thực hiện bảo vệ môi trường. Mô hình tổ chức bộ máy, nhân sự quản lý công tác này cơ bản thống nhất trên cả nước, ở cấp sở có chi cục, cấp huyện có một cán bộ phụ trách. Do đó, nếu như cán bộ phụ trách theo dõi công tác này làm việc hiệu quả hoàn toàn xứng đáng để thành tấm gương cho các địa phương khác học tập. Ngược lại, nếu nhiều địa bàn không thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ môi trường chắc chắn phải xem xét lại tổ chức bộ máy, nhân sự - ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.

Tuy công tác quản lý bảo vệ môi trường được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, song báo cáo UBND tỉnh chỉ rõ: Sự phân công các sở, ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu cơ chế ràng buộc, quy trách nhiệm nên một số nhiệm vụ cụ thể chưa thực hiện nghiêm. Bên cạnh nguyên nhân do quy định tại Quyết định 32 của UBND tỉnh về phân giao trách nhiệm thực hiện quản lý bảo vệ môi trường có phần chưa cụ thể và chặt chẽ. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng cho biết, ban quản lý khu công nghiệp hiện có trách nhiệm thực hiện công tác này, song trong Nghị định 40 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 lại bỏ trách nhiệm của ban quản lý, nên địa phương lúng túng khi ủy quyền cho các cơ sở. Do vậy, Nghệ An đang rất cần hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, để thực hiện sửa đổi Quyết định 32 của UBND tỉnh, góp phần khắc phục hạn chế này.

Trách nhiệm của bộ, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác này đã được Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định cụ thể hơn một bước. Song, không lẽ cứ phải có sự ràng buộc trách nhiệm về pháp luật mới tăng cường quản lý ở địa phương, vì như ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh, nếu thực hiện tốt quản lý ở cơ sở sẽ giúp các cơ quan trung ương tập trung vào nhiệm vụ chính (ban hành chính sách, tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ...), cũng như nhận được sự ủng hộ từ phía người dân. Sự quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương các cấp tại Nghệ An có thể là mô hình hay cần được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác.

Thanh Hải