Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 9

- Thứ Bảy, 09/06/2018, 18:07 - Chia sẻ
Sáng 9.6, tại Bắc Giang, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 9 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Tham dư có: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của QH; đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch…


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 9 

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban và các đại biểu tham dự đã nghe Báo cáo và thảo luận về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; khảo sát thực địa về y tế cơ sở tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.

Trình bày Báo cáo về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại diện Bộ Y tế cho biết, bên cạnh những lợi ích do rượu bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm, việc sử dụng rượu, bia nhiều và thường xuyên tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. Do đó, việc phòng, chống tác hại rượu bia là một yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chính sách, pháp luật, kinh tế… Việc ban hành luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, việc ban hành luật sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với rượu, bia hiện nay; bảo đảm tính dự báo cao trong tương lai, dữ liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến rượu bia; bảo đảm sự hài hòa với xu hướng quốc tế trong môi trường hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Luật gồm 6 Chương, 22 Điều. Nội dung chính quy định các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia; các biện pháp kiểm soát việc cung cấp rượu bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu bia; điều kiện bảo đảm tài chính cho phòng, chống tác hại rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các quy định của dự thảo Luật, so sánh, đối chiếu với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính phù hợp, tương thích như Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về Quyền trẻ em, các hiệp định thương mại quốc tế như WTO, CPTPP, các hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước. Qua rà soát cho thấy,  nhiều quốc gia tham gia các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều có các quy định tương tự hoặc mạnh hơn dự thảo Luật này.

Tại Phiên họp, một số đại biểu cho rằng, lạm dụng rượu, bia hoặc sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không quy định về an toàn thực phẩm là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, một số nội dung như tên gọi của Luật; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; thành lập quỹ nâng cao sức khỏe… cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, việc sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người uống và có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Ảnh hưởng, nguy hại đối với sức khỏe do sử dụng rượu bia đều có và chỉ khác nhau về mức độ, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người uống và cách thức uống; không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Do đó, việc ra đời một dự luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia là hoàn toàn cần thiết. Bộ trưởng cũng khẳng định, để Luật đi vào thực tiễn thì cần có quỹ riêng cho phòng chống tác hại của rượu, bia, nâng cao sức khỏe. Quỹ này cần được kiểm soát hoạt động một cách công khai minh bạch đảm bảo kinh phí đầy đủ, ổn định, linh hoạt để công tác nâng cao sức khỏe đạt được hiệu quả cao.


Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh với các đại biểu

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một trong những dự án luật khó, còn vướng nhiều thách thức trong quá trình lấy ý kiến và xây dựng; đề nghị các thành viên Ủy ban tiếp tục quan tâm, nghiên cứu đóng góp ý kiến vào những nội dung cụ thể để quá trình xây dựng dự thảo Luật đạt hiệu quả cao.

Tin và ảnh: Q.Khánh