Ủy ban Về các vấn đề xã hội bế mạc Phiên họp toàn thể thứ 14

- Thứ Tư, 07/08/2019, 16:57 - Chia sẻ
Trưa 7.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 14 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Trước đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018; giám sát về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2 năm 2017-2018; giám sát tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của QH về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Toàn cảnh Phiên họp

Về bình đẳng giới, theo báo cáo của Chính phủ, có 10 chỉ tiêu tiệm cận đạt, đạt và vượt yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Trong đó có những mục tiêu quan trọng như: tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ đạt 48% và giữ ổn định trong 6 tháng qua; tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15-60 năm 2018 đạt 97,3% và 97,37% tính đến tháng 6 năm nay; 100% thành viên các ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có liên quan đến bình đẳng giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép; bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần... Ngoài ra có 4 chỉ tiêu không đạt nhưng có tiến bộ so với năm 2017 như: tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo nữ đạt 47% (tăng 7% so với năm 2017), tỷ lệ UBND cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 7,5%, cấp huyện đạt 12,7%, cấp xã đạt 6,38%, có 2.951 nữ cán bộ giữ chức vụ từ phó giám đốc sở và tương đương trở lên; 53,16% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ cán bộ nữ từ 30% trở lên, có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ nữ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 19,1% (tăng 4% so với năm 2017). Có 2 chỉ tiêu không được kiểm soát tốt trong năm 2018 là tỷ số giới tính khi sinh và tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở trên toàn quốc.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tiến bộ trong công tác bình đẳng giới thời gian qua, song các thành viên Ủy ban cũng lo ngại khi theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2018 thì tỷ lệ nữ tham chính của nước ta đã bị giảm 2 bậc từ 97/144 xuống 99/144. Chỉ tiêu đến năm 2020, 100% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức có lãnh đạo chủ chốt là nữ thì đến năm 2018 mới chỉ có 53,16% cơ quan đạt tỷ lệ này, vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đề ra. Cho rằng, những vấn đề đặt ra trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là vấn đề trầm kha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cũng nhấn mạnh, nếu không tập trung làm thay đổi nhận thức đối với vấn đề bình đẳng giới theo đúng tinh thần của Đảng thì khó có thể đạt được bình đẳng giới thực chất.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi phát biểu tại Phiên họp

Về thực hiện Nghị quyết 18, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đã hoàn thành 21/23 Đề án, văn bản pháp quy tại Kế hoạch hành động; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hàng trăm văn bản để thực hiện các nội dung của Nghị quyết, trong đó có một số Luật, văn bản hết sức quan trọng, ảnh hưởng sâu, rộng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; các cơ chế, chính sách về tài chính, tự chủ, xã hội hóa về y tế.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật như: chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách về xã hội hóa y tế đã có nhưng việc ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể còn vướng mắc về thẩm quyền ban hành như cơ chế vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trong và ngoài cơ sở y tế, cơ chế hoạt động, tham gia quản lý đối với các cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư…

Cũng theo Bộ Y tế, việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở y tế công lập do các Bộ quản lý còn chậm; việc sắp xếp các cơ sở y tế trong các tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa còn khó khăn. Một số địa phương giao Trung tâm y tế huyện cho UBND cấp huyện quản lý gây khó khăn cho việc chỉ đạo ngành dọc có tính đặc thù của ngành y tế. Một số địa phương có phương án đề xuất giải thể trạm y tế xã, phường gần cơ sở y tế tuyến trên sẽ tạo khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân trên địa bàn.

Từ thực tế hoạt động trong ngành y tế, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, xã hội hóa và tự chủ là hai yếu tố rất quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế trong thời gian qua. Theo ông Trí, nhiều nơi thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa, nhìn chung kết quả khá tốt. Dù vậy, cũng có nhiều nơi thực hiện chưa tốt, có nơi lại làm quá, vượt rào. Nhiều đại biểu cũng nêu thực tế bức xúc về tình trạng “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ” và đề nghị cần sớm giải quyết căn cơ vấn đề này.

Đối với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đến nay, các chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đã được xây dựng, ban hành và sửa đổi, bổ sung kịp thời, bám sát nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL), các văn bản pháp luật có liên quan. Giai đoạn 2017-2018 và 6 tháng đầu năm nay, tổng thu khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá là 736,3 tỷ đồng, đạt khoảng 97% so với dự kiến. Nhìn chung sau 6 năm thành lập, Quỹ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động PCTHCTL, góp phần giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tỷ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc, thực hiện môi trường không khói thuốc.

Dù vậy, theo đánh giá của các đại biểu, tỷ lệ giải ngân của Quỹ và các đơn vị nhận hỗ trợ từ Quỹ chưa cao; Quỹ đã hỗ trợ thực hiện 8/9 nhiệm vụ được Luật PCTHCTL nhưng mới chỉ tập trung vào 2 nhiệm vụ là truyền thông về tác hại của thuốc lá và PCTHCTL; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá. Chỉ ra một số nhiệm vụ và hợp phần quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật PCTHCTL vẫn chưa được hỗ trợ triển khai, có nhiệm vụ triển khai chưa sát với nội dung được quy định, các đại biểu cũng đề nghị, phải có kế hoạch hành động dài hạn và lộ trình hỗ trợ các mục tiêu, nhiệm vụ Luật giao để làm cơ sở đánh giá tiến độ cũng như mức độ hỗ trợ các hoạt động của Quỹ.

Quỳnh Chi