Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2019

- Thứ Tư, 04/09/2019, 18:18 - Chia sẻ
Chiều 4.9, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 13, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Công tác phòng ngừa tham nhũng cũng đạt được một số kết quả tích cực, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm: 1.081.235 người; đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai: 1.075.277 bản; đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.


Toàn cảnh phiên họp

Bên cạnh những đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng còn có những hạn chế như: biện pháp phòng ngừa chưa phát huy toàn diện; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay còn gọi là “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn hiệu quả...

Liên quan đến biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà – đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ vẫn còn tính hình thức trong kết quả kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo ông Hà, hiệu quả của việc kê khai chưa cao và không có nhiều ý nghĩa trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng cũng như thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá, các cơ quan, tổ chức hữu quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện mà chưa kiểm soát được bản kê khai có trung thực không, tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không. Với số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập lên đến hơn 1 triệu người nhưng số lượng bản kê khai được xác minh chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (46 người); kết quả xác minh cũng chỉ phát hiện một số trường hợp vi phạm (10 trường hợp). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ, cơ chế kiểm soát quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát còn hạn chế, hiệu quả chưa cao và chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Về kê khai tài sản, thu nhập, các đại biểu đặt câu hỏi, các trường hợp vi phạm được phát hiện là do xác minh xác suất hay do có tố cáo, khiếu nại kiểm tra mới xác minh? Các đại biểu đề nghị, để phát huy được hiệu quả công tác phòng ngừa, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xác minh tài sản, thu nhập để sớm phát hiện các trường hợp vi phạm…

Hà An