Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô

- Thứ Bảy, 03/11/2012, 17:13 - Chia sẻ
Ngày 3/11, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Văn phòng Dự án PIAP tổ chức Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô. Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như: biểu tượng của Thủ đô; về phát triển giáo dục và đào tạo; vấn đề quản lý đất đai, phát triển và quản lý nhà ở; phát triển, quản lý giao thông vận tải; quản lý dân cư; vấn đề bảo vệ Thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô; về chính sách, cơ chế tài chính; về trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...
 
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia thì việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan trung ương, TP Hà Nội và nhân dân cả nước... Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng một số nội dung của dự thảo Luật cần phải được cân nhắc kỹ. Vấn đề biểu tượng của Thủ đô, dự thảo luật quy định biểu tượng Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, về vấn đề này có ý kiến cho rằng nên để UBTVQH quy định và cần phải được tham khảo thêm. Vì biểu tượng Thủ đô cần phải thể hiện đầy đủ các yếu tố mang tính đặc trưng của Thủ đô như văn hiến, sự hào hùng, hòa bình...

Về chính sách đặc thù có ý kiến cho rằng, nhiều nội dung còn chung chung, và cũng nên cân nhắc tránh để tránh sự đặc quyền, tạo nên sự xin cho... Về phát triển giáo dục và đào tạo, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật quy định về phát triển giáo dục công lập chất lượng. Tuy nhiên, Thủ đô cũng cần phải có những chính sách hợp lý để thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước để qua đó tranh thủ được trí tuệ xây dựng thủ đô phát triển vững mạnh hơn.

Về vấn đề bảo vệ thủ đô và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô thì dự thảo Luật quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng như trong dự thảo Luật nhưng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức xử phạt vi phạm  hành chính, vì hiện nay Luật xử phạt vi phạm hành chính đã tăng mức xử phạt đối với ba lĩnh vực  này, hơn nữa cần phải xem xét tính thống nhất trong phạm vi cả nước...

Hà An