Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

- Thứ Sáu, 24/04/2020, 19:10 - Chia sẻ
Ngày 14.10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đã họp Phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra về các nội dung của thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ban Dân nguyện; lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai…

Trình bày tóm tắt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quy mô đầu tư giai đoạn 1 gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ, như hạ tầng khu bay, nhà ga hành khách, hệ thống điều hành bay, công trình phụ trợ, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với Cảng.Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 111.689 tỷ đồng, thấp hơn tổng mức đầu tư được QH thông qua tại Nghị quyết số 94/2015 (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).


Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể Trình bày tóm tắt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1

Về hình thức đầu tư, căn cứ vào danh mục các công trình kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không, Tờ trình của Chính phủ đề xuất: Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước) sẽ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện; hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư; hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của càng hàng không) giao cho ACV đầu tư. Các hạng mục 1, 2 và 3 đều đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp, riêng hạng mục 4 (các công trình dịch vụ) được giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư phù hợp với Luật Đầu tư hiện hành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đấu thầu, các hạng mục này đều phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện, nên Chính phủ trình QH cho chủ trương thực hiện chỉ định giao ACV đầu tư.

Về phương án huy động vốn, Tờ trình của Chính phủ đề xuất, ACV sẽ huy động vốn thực hiện, trong đó, vốn của doanh nghiệp khoảng 36.607 tỷ đồng, chiếm 37% tổng vốn đầu tư, còn lại sẽ vay các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Cũng theo Tờ trình, đây là phương án huy động vốn tối ưu cho dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vì với nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không, ACV có thể bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, cũng như có điều kiện vay thương mại quốc tế tốt hơn thông thường. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xin điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha; điều chỉnh 1.050ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng; bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 01 và 02 vào dự án này để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.


Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã nêu ra những vấn đề, nội dung đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến gồm: hồ sơ dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; tổng mức đầu tư, phương thức huy động vốn; hiệu quả kinh tế, nhu cầu sử dụng đất; các điều kiện bảo đảm quốc phòng - an ninh… Trong đó, về hồ sơ dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dù đã cung cấp một báo cáo nghiên cứu khả thi theođúng  quy định hiện hành, song vẫn thiếu dự thảo Nghị quyết của QH về nội dung này.

Về hình thức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc giao ACV thực hiện các hạng mục này về bản chất là thực hiện chỉ định thầu, trong khi theo quy định hiện hành phải tiến hành đấu thầu. Hơn nữa, ACV đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không khác trên cả nước, liệu sẽ có khả năng huy động nguồn tài chính phục vụ đầu tư các hạng mục được Chính phủ đề xuất giao thực hiện hay không? Đưa ra băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần phân định rõ việc chỉ định một đơn vị cụ thể thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thuộc thẩm quyền của Chính phủ hay QH.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, việc chỉ định một đơn vị cụ thể thực hiện dự án nêu trên khác với quy định của Luật Đấu thầu hiện hành nên cần báo cáo với QH. Tuy nhiên, chỉ nên trình QH để xin chủ trương thực hiện chỉ định thầu với dự án này chứ không nên đề xuất giao cho một đơn vị cụ thể. Bên cạnh đó, cần làm rõ tác động của việc chỉ định thầu, nhất là đối với thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế Việt Nam đã tham gia trong thời gian qua. Các đại biểu cũng cho ý kiến với đề xuất điều chỉnh tăng diện tích đất thực hiện giai đoạn 1, thay đổi diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, cơ cấu vốn…

Hoàng Ngọc