Ủy ban Kinh tế bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11

- Thứ Sáu, 30/08/2019, 13:12 - Chia sẻ
Trưa 30.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, mục tiêu xây dựng Luật nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật này sửa đổi 60 điều; bãi bỏ 2 điều, 5 khoản và 2 điểm; bổ sung 1 chương về hộ kinh doanh và 8 điều. Cụ thể, về đăng ký doanh nghiệp, Luật bãi bỏ 2 thủ tục không cần thiết là thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp; bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.


Ảnh: Quang Khánh

Về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, Luật sửa đổi quy định thời hạn góp vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn trong trường hợp góp vốn bằng máy móc, thiết bị, tài sản. Theo đó, thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn sẽ không tính vào thời hạn 90 ngày phải góp đủ vốn điều lệ doanh nghiệp. Luật cũng bãi bỏ, giảm bớt điều kiện không hợp lý như “phải sở hữu cổ phần liên tục trong 6 tháng” hoặc “sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần” đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền về đề cử, tiếp cận thông tin về hoạt động kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Luật cụ thể hóa khái niệm “cổ phần, góp vốn chi phối” được nêu trong Nghị quyết số 12/NQ - TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN bằng tiêu chí “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp. Như vậy, khái niệm DNNN được sửa đổi trong Luật Doanh nghiệp thành 2 loại: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần có sử hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, như mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, bao gồm con rể, con dâu, anh em bên chồng; bổ sung quy định về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp…

Đáng chú ý, Luật bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, gồm các Điều 187a, 187b và 187c, thay vì Luật giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định như hiện nay. Theo đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chinh nhánh, văn phòng đại diện…

Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp, song đề nghị cần mở rộng phương án sửa đổi cũng như rà soát các luật khác có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất. Về tên gọi của Luật, nhiều đại biểu cho rằng, nếu công nhận ngay hộ kinh doanh là doanh nghiệp thì việc dùng tên gọi “Luật Doanh nghiệp” là hợp lý, song nếu coi hộ kinh doanh chỉ là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp thì nên đổi tên thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh, theo Luật này sẽ có một loạt DNNN mới hình thành. Do vậy, cần đánh giá xem sẽ có thêm khoảng bao nhiêu DNNN, điều này sẽ có tác động thế nào tới doanh nghiệp cũng như nguồn thu ngân sách. Mặt khác, cần bổ sung quy định chuyển tiếp đối với trường hợp này. Đối với quy định về hộ kinh doanh, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên tách hộ kinh doanh buôn bán thuần túy và hộ kinh doanh sản xuất để quản lý tốt hơn...

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận ý kiến của các đại biểu và khẳng định, với các ý kiến hợp lý sẽ được tiếp thu, nếu không sẽ có giải trình thấu đáo. Đồng thời, ông cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vì sao quy định “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” thay vì 75% như một số đại biểu nêu ý kiến; việc chỉ có 3 điều liên quan đến hộ kinh doanh trong tổng số 213 điều của dự án Luật liệu đã hợp lý…

Theo TTXVN