Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

- Thứ Hai, 09/09/2019, 19:31 - Chia sẻ
Chiều 9.9, tại trụ sở VPQH, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì.

Tại hội thảo, các đại biểu chỉ rõ, trong những năm qua, các nền kinh tế thế giới chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải, thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Các tính toán cho thấy, nếu triển khai mô hình này sẽ giúp giảm rủi ro về khan kiếm nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng GDP toàn cầu trị giá 4,5 nghìn tỷ USD đến năm 2030.
Ở Việt Nam, dù chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn song những mầm mống của mô hình này đã có từ khá sớm. Chẳng hạn, mô hình thu gom phân ủ tưới hoa màu và rau ở ngoại thành Hà Nội có từ thập niên 50 - 70 của thế kỷ XX, hay dịch vụ thu gom phế liệu, phế thải có từ hàng chục năm nay…

Theo đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, đây là xu hướng chung của toàn cầu. Việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển sẽ thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn. Áp lực của thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường cũng là cơ hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức, như nhận thức của toàn xã hội về mô hình kinh tế này vẫn chưa đầy đủ. Kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ, song phần lớn công nghệ ở nước ta còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho mô hình này chưa có.

Từ những phân tích trên, các đại biểu kiến nghị, trước tiên, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Việc phát triển mô hình này cần dựa trên các mô hình đã có gần với các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, cần bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu hình thành và phát triển các thị trường tái chế; gắn liền phát triển kinh tế tuần hoàn với đẩy mạnh hơn nữa phát triển, ứng dụng công nghệ và nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng khẳng định, các ý kiến tại hội thảo “sẽ là nguồn thông tin quý báu” để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - với vai trò là cơ quan được Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII giao nghiên cứu chuyên đề “Nghiên cứu đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu” -  tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và mô hình kinh tế tuần hoàn với Trung ương Đảng trong thời gian tới.

Ông Dũng cũng xác nhận, sẽ đưa các nội dung mà đại biểu kiến nghị như “chất thải là tài nguyên”; đưa khái niệm về “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tái chế”, “kinh tế dùng chung”… vào trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tin và ảnh: Vũ Thủy