Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp toàn thể lần thứ 10

- Thứ Sáu, 04/10/2019, 16:36 - Chia sẻ
Sáng 4.10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 10.

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng…
Trong phiên làm việc đầu tiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. 

Theo Tờ trình dự án Luật, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều cùng với các luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi, nhận diện và diễn biến tình hình thiên tai, yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu rõ nét hơn, nên một số quy định hiện hành cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể là, Luật Phòng, chống thiên tai sẽ được bổ sung một số loại hình thiên tai (sương mù, gió mạnh trên biển); bổ sung một số công trình phòng, chống thiên tai (công trình chống xâm nhập mặn, chống lũ quét, chống sét). Về Quỹ phòng, chống thiên tai, dự án Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng thành lập thêm ở Trung ương, bên cạnh Quỹ ở cấp tỉnh như hiện nay. Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương do Bộ NN và PTNT quản lý để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế kịp thời, đúng quy định. Đối tượng thu của quỹ ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật hiện hành.  


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu chủ trì phiên họp

Đối với Luật Đê điều, dự án Luật bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê từ cấp III trở lên cần được cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương cho ý kiến, để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê quan trọng. Cấm xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi lòng sông (không bao gồm bãi nổi, cù lao); thực hiện các hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nếu không có phương án xử lý. Việc quản lý, sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng hay với công trình, nhà ở trên khu vực này trên tuyến sông có đê (hiện chưa được quy định) sẽ được thực hiện như với tại bãi sông (quy định tại Điều 26, 27 Luật hiện hành). 

Các thành viên Ủy ban tán thành với việc sửa đổi, bổ sung hai Luật nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, “trám” một số khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều vừa qua. Các đại biểu cũng tán thành bổ sung một số loại hình thiên tai, nhưng lưu ý, việc bổ sung này có liên quan đến nhiều quy định trong luật hiện hành (xây dựng phương án ứng phó, thống kê thiệt hại…) nên Ban soạn thảo cần giải thích rõ cơ sở khoa học, tiêu chí của việc xác định loại hình thiên tai, công trình phòng, chống thiên tai. 

Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc bổ sung quy định về điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai, vì quy định phạm vi điều tra về hiện trạng cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách không phù hợp với đặc thù của hoạt động này. Trong khi đó, một số nội dung điều tra có nguy cơ trùng lặp với quy định về điều tra cơ bản trong Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Thống kê. Dự luật cũng thiếu quy định về đối tượng điều tra, quy mô điều tra. Có ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần giải trình rõ sự khác biệt của điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai với các lĩnh vực khác, để tránh bao trùm, xung đột với những luật chuyên ngành liên quan. 

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai hướng đến điều tra để đánh giá hiệu quả của hệ thống chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… không trùng lặp với các hoạt động điều tra cơ bản khác.

Trong hai ngày diễn ra Phiên họp thứ 10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2019, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách năm 2020 cho khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Tin và ảnh: Phương Thủy