Hệ thống ủy ban của Nghị viện Ấn Độ

Ủy ban Dân nguyện<br>Toàn quyền giải quyết kiến nghị

- Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:12 - Chia sẻ
Được đề xuất thành lập từ năm 1921, Ủy ban Dân nguyện là một trong những ủy ban có lịch sử lâu đời nhất của Nghị viện Ấn Độ.

Ủy ban này được thành lập trong Hội đồng Lập pháp từ thời thuộc địa, do một nghị sĩ đề xuất vào năm 1921 với tên gọi ban đầu là Ủy ban Dân nguyện công. Năm 1924, đề xuất thành lập được Chủ tịch Hội đồng Lập pháp trung ương chấp thuận và năm 1933 đổi thành Ủy ban Dân nguyện. Năm 1952, Ủy ban Dân nguyện được thành lập ở cả Thượng viện và Hạ viện. Cho đến trước năm 1964, Nghị viện chỉ xem xét những đơn kiến nghị có liên quan tới các dự luật đã được công khai trên công báo, đã hoặc được nằm trong kế hoạch trình bày ở Nghị viện. Theo sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7.1964, Ủy ban Dân nguyện có nhiệm vụ tiếp nhận đơn kiến nghị liên quan đến: một dự luật đã được công khai trên công báo, đã hoặc nằm trong kế hoạch trình bày ở Nghị viện; nội dung đang được Thượng viện thảo luận; tất cả những vấn đề liên quan đến lợi ích công không nằm trong những vấn đề thuộc thẩm quyền của một tòa án hoặc cơ quan có quyền tư pháp, ít ảnh hưởng đến công việc của Chính phủ, có thể được vào một đề xuất riêng, đã có quy định của pháp luật

Ủy ban Dân nguyện của Hạ viện gồm 15 thành viên và của Thượng viện có 10 thành viên, được Chủ tịch mỗi viện đề cử dựa trên đề xuất của thủ lĩnh các đảng, tỷ lệ với số ghế của đảng trong Nghị viện. Ủy ban được tái cơ cấu mỗi năm một lần.

Với ý nghĩa là cơ quan dân nguyện, Ủy ban không chỉ có nghĩa vụ lắng nghe những nguyện vọng, thỉnh cầu hay kiến nghị của người dân mà có trách nhiệm xem xét kiến nghị để tổng hợp thành báo cáo chứa đựng những khuyến nghị cụ thể cho Nghị viện. Cũng giống như các ủy ban thường trực khác, Ủy ban Dân nguyện được trao toàn quyền trong việc giải quyết kiến nghị. Ủy ban Dân nguyện có nhiệm vụ xem xét lại phạm vi kiến nghị, hướng dẫn việc tóm tắt và công khai kiến nghị nếu cần thiết.

Sau khi nhận đơn, Ủy ban sẽ triệu tập người gửi đơn trình bày về kiến nghị. Ủy ban có quyền triệu tập thêm công dân, đại diện của tổ chức, người gửi đơn trong quá trình thu thập thông tin. Đại diện cơ quan Chính phủ có liên quan đến vấn đề cũng được phép trình bày quan điểm liên quan đến kiến nghị. Dựa trên tính chất vấn đề, Ủy ban có thể tiến hành điều tra tại địa phương hoặc trưng cầu ý kiến người dân nếu cần thiết. Nếu được Chủ tịch Nghị viện chấp thuận, Ủy ban cũng có thể yêu cầu Chính phủ cung cấp các tài liệu cần thiết. Cuối cùng Ủy ban sẽ tổng hợp thành báo cáo trình Nghị viện.

Sau khi được trình bày trước Nghị viện, báo cáo của Ủy ban sẽ được gửi tới người gửi kiến nghị và cơ quan Chính phủ có liên quan có trách nhiệm thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban. Trong vòng 6 tháng, Chính phủ phải báo cáo lại quá trình thực hiện cho Ủy ban. Nếu cơ quan này không có thẩm quyền, hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban, cơ quan trên sẽ báo cáo với Thư ký của viện tương ứng và những vấn đề này sẽ được chuyển lại cho Ủy ban. Sau khi xem xét báo cáo hoặc ý kiến về việc không thể thực hiện được khuyến nghị của Chính phủ, Ủy ban xem xét để trình một báo cáo khác lên Nghị viện.

Hầu hết các bang ở Ấn Độ đều có Ủy ban Dân nguyện trong Hội đồng Lập pháp bang, với cơ cấu và cách thức hoạt động tương tự với Ủy ban Dân nguyện của Nghị viện.

Mạnh Thu