Cơ quan phụ trách bầu cử

Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia

- Thứ Sáu, 19/09/2014, 08:48 - Chia sẻ
Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia có nhiệm vụ tổ chức quản lý bầu cử Thượng viện, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Ủy ban cấp xã/quận/huyện/và cấp địa phương khác. Thành viên của Ủy ban và của các Ủy ban bầu cử ở mọi cấp độ đều phải trung lập và khách quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử. Sau khi được bổ nhiệm, họ phải tạm thời từ chức ở các đảng chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, nghiệp đoàn và không thực hiện các nhiệm vụ cũ đến khi hết nhiệm vụ được giao. Các ứng cử viên tranh cử hoặc các thành viên của ủy ban điều hành của một đảng chính trị sẽ không là thành viên của Ủy ban Bầu cử quốc gia hoặc các Ủy ban bầu cử.

Thành phần của Ủy ban bầu cử Quốc gia gồm có 9 người, cụ thể là: Chủ tịch; 1 Phó chủ tịch; 7 thành viên. Về tiêu chuẩn, đây là những người hoạt động trong lĩnh vực chính trị, có kinh nghiệm và uy tín cao trong xã hội. Hoàng gia sẽ tiến hành bổ nhiệm những chức danh này trong thời gian tối thiểu là 7 tháng trước ngày bầu cử, theo đề nghị của Ủy ban Bộ trưởng và phải có sự đồng thuận của đại đa số đại biểu Quốc hội.


Ủy ban Bầu cử Campuchia tổ chức vận động tranh cử
Luật quy định cho Ủy ban bầu cử Quốc gia 28 nhiệm vụ, có thể xếp thành các nhóm nhiệm vụ sau: tổ chức và quản lý bầu cử trên toàn lãnh thổ quốc gia; bổ nhiệm Ủy ban bầu cử các cấp, xây dựng các quy định, quy trình, hướng dẫn, giám sát quy trình bầu cử trong phạm vi khuôn khổ của pháp luật; truyền thông, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử; giải quyết các khiếu nại và tố cáo liên quan đến bầu cử; công nhận các đại diện đảng chính trị, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đăng ký giám sát các cuộc bầu cử. Các cuộc họp của Ủy ban sẽ có hiệu lực khi có ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của Ủy ban có mặt. Nếu không đáp ứng đủ số lượng thành viên tối thiểu, một phiên họp khác sẽ được triệu tập ngay lập tức vào ngày tiếp theo. Trong việc ra quyết định, các quyết định của Ủy ban Bầu cử Quốc gia chỉ được xem là có hiệu lực khi có đa số thành viên tán thành.

Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội của Campuchia cũng quy định khá chi tiết các nội dung về tổ chức của Ủy ban bầu cử các cấp và tổ bầu cử. Thành viên của Ủy ban Bầu cử các cấp và của tổ bầu cử đều do Ủy ban Bầu cử quốc gia bổ nhiệm. Các ứng cử viên không được là quân nhân, cảnh sát, quan chức tòa án, tu sỹ, tỉnh trưởng/thị trưởng và các chức danh Phó tỉnh trưởng và những người cấp trưởng, cấp phó của cấp quận, thành viên của Ủy ban cấp xã/phường, trưởng thôn, phó trưởng thôn.

Về số lượng, các hội đồng bầu cử cấp tỉnh/thành phố bao gồm: Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và có từ 3 đến 5 thành viên. Giúp việc cho cơ quan này là Ban thư ký. Ủy ban bầu cử cấp xã/phường gồm có Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 3 thành viên. Các chức danh trong Tổ bầu cử được xác định rõ gồm có Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch, Thư ký và 2 thành viên. Nhằm bảo đảm tính khả thi và thích ứng với các điều kiện trên thực tế, nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh và xã, Tổ bầu cử do do Ủy ban bầu cử quốc gia chỉ định.

Các Ủy ban Bầu cử cấp xã/phường thực hiện các chức năng đến khi công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử. Các Ủy ban bầu cử cấp tỉnh/thành phố sẽ thực hiện các chức năng của mình trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông báo kết quả cuối cùng của cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên của Ủy ban Bầu cử Quốc gia sẽ tiếp tục chức năng của họ đến khi có sự bổ nhiệm mới.