Quận Nam Từ Liêm:

Ưu tiên nguồn lực dành cho giáo dục

- Thứ Sáu, 04/10/2019, 08:16 - Chia sẻ
Đánh giá về công tác triển khai năm học 2019 - 2020 tại các trường công lập và thực hiện Đề án Sữa học đường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố ghi nhận quận là một trong những điểm sáng của Thủ đô trong việc quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho giáo dục.

Bố trí mỗi phường đều có đủ trường học các cấp

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, hiện trên địa bàn quận có 96 trường học các cấp từ mầm non đến THCS, trong đó 41 trường công lập và 55 trường ngoài công lập; ngoài ra, còn có 12 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và 10 trung tâm học tập cộng đồng. Đáng chú ý, Nam Từ Liêm hiện có 38 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 4 trường được thành phố công nhận trường đạt tiêu chí chất lượng cao. Để triển khai năm học mới 2019 - 2020, quận đã thành lập mới 2 trường công lập, qua đó bảo đảm 100% các phường trên địa bàn có đủ trường học công lập từ cấp học mầm non cho tới THCS. Đặc biệt, đối với một số phường có địa bàn rộng, đông dân cư, quận đã bố trí mỗi cấp học có 2 trường/phường.


Thời gian qua, quận Nam Từ Liêm đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, trở thành điểm sáng của Hà Nội trong lĩnh vực này
Ảnh: P.Long

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học mới, Phòng GD - ĐT quận đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn hướng dẫn và kiểm soát công tác thu chi, đưa công tác này tại các trường đi vào nền nếp, theo đúng quy định của thành phố và Sở GD - ĐT, tránh tình trạng lạm thu, thu nhiều khoản không cần thiết, tránh lãng phí và bảo đảm sự hài lòng trong nhân dân. “Phòng GD - ĐT đã tiến hành giải đáp vướng mắc cho các trường học trong vấn đề thu, chi kịp thời chấn chỉnh với những khoản thu sai quy định thực hiện đúng quy trình thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Do đó, đến nay trên địa bàn quận không có trường hợp thu chưa đúng quy định” - Trưởng phòng GD - ĐT Nguyễn Thị Hương khẳng định.

Tuy nhiên, do quận Nam Từ Liêm có tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng quá nhanh nên số trường công lập hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Trong khi đó, một số trường có diện tích còn nhỏ, thiếu không gian học tập vui chơi cho học sinh; cơ sở vật chất trường học xuống cấp, trang thiết bị dạy học còn thiếu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai năm học cũng như thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.

Riêng đối với Đề án Sữa học đường, UBND quận và Phòng GD - ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn để hướng dẫn thực hiện Đề án đến giáo viên và đại diện hội phụ huynh các trường trong quận với tổng số trên 1.500 lượt tham gia. Thế nhưng, trong khi tỷ lệ các trường công lập tham gia Đề án Sữa học đường là 100% thì ở khối các trường ngoài công lập, tỷ lệ này vẫn còn chưa cao. “Nguyên nhân do một số trường ngoài công lập đã cho học sinh uống sữa công thức; đồng thời 6 trường mầm non có yếu tố nước ngoài cũng không tham gia chương trình làm ảnh hưởng tới tỷ lệ tham gia Đề án” - bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ. 

Triển khai có hiệu quả Đề án Sữa học đường

Qua khảo sát thực tế tại 3 trường trên địa bàn quận cũng như lắng nghe ý kiến từ quận cũng như đại diện các trường học trên địa bàn, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận quận Nam Từ Liêm thời gian qua đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, trở thành điểm sáng của Hà Nội trong lĩnh vực này. Theo đó, ngành giáo dục của quận hướng tới mô hình giáo dục chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, phục vụ tốt cho người dân sinh sống trên địa bàn. Bên cạnh đó, quận đã tích cực triển khai các chủ trương của thành phố, trong đó xây dựng kế hoạch, quán triệt, tuyên truyền tổ chức thực hiện Đề án Sữa học đường sâu rộng trên địa bàn; đồng thời, công tác triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019 - 2020 cũng được thực hiện nghiêm túc.

Trước thực tế tỷ lệ tham gia Đề án Sữa học đường còn chưa cao, Trưởng ban VH - XH đề nghị quận cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền, vận động, trong đó chú trọng phương pháp tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả hơn, nhất là với đối tượng đặc thù như các trường ngoài công lập, các hộ gia đình có thu nhập cao... Bên cạnh đó, Phòng GD - ĐT và các trường cần quan tâm thực hiện đúng quy trình đề ra trong Đề án, từ khâu tiếp nhận, bảo quản, sử dụng sữa cũng như thu gom vỏ hộp sữa. Đặc biệt, quận cần phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, chú trọng công tác giám sát, yêu cầu các trường chấp hành nghiêm quy định.

Đối với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, đoàn giám sát cho rằng quận có thể kiến nghị thành phố bố trí về quy hoạch, nguồn lực giúp quận đầu tư cơ sở vật chất nhằm bảo đảm tiêu chí sĩ số học sinh/lớp theo tiêu chuẩn, các lớp học không bố trí ở tầng quá cao...

PHI LONG