Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới:

Ưu tiên nguồn lực cho học sinh lớp 1 năm nay

- Thứ Tư, 15/07/2020, 17:33 - Chia sẻ
Đến thời điểm này, cơ bản, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đều được địa phương ưu tiên cao nhất cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, đội ngũ giáo viên Tin học chưa đáp ứng đủ chương trình.

Thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng

Năm học 2020 - 2021, cả nước có 14.332 trường tiểu học với gần 2 triệu học sinh lớp 1. Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, từ hội nghị giám đốc sở GD-ĐT năm 2020, đa số cơ sở giáo dục đều sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Tùy điều kiện cụ thể, trường tiểu học trên toàn quốc đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình ở các mức khác nhau, từ mức tối thiểu bắt buộc (thực hiện các môn học bắt buộc theo chương trình), đến thực hiện ở mức tối ưu (thực hiện các môn học tự chọn, thực hiện chương trình theo nhu cầu người học).

Nguồn: ITN

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Thái Văn Tài cho biết, mặc dù còn khoảng 139 trường (0,97%) do điều kiện chưa bảo đảm nên dự kiến tổ chức được dạy học ở mức 25 tiết/tuần (chưa tính môn tự chọn) - đây là mức yêu cầu tối thiểu của chương trình. Thì, với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao, địa phương đều cam kết tiếp tục cố gắng để các trường đều thực hiện chương trình đối với lớp 1 ở mức tối ưu nhất.

"Về cơ bản, các tỉnh, thành phố bảo đảm tỷ lệ phòng học trên lớp xấp xỉ 1 phòng/lớp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT mới. Các tỉnh chưa đủ tỷ lệ 1 phòng học/lớp đều có giải pháp, lộ trình tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp, thực hiện quy hoạch, dồn ghép điểm trường, bảo đảm đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT mới. Các giải pháp điển hình là ưu tiên cho lớp 1, rà soát thống kê số phòng học còn thiếu để xây dựng đề án, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất nói chung, phòng học nói riêng đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới theo lộ trình", ông Tài cho biết.

Về dạy môn học tự chọn, điểm sáng là có đến 7.164 trường (tương đương khoảng 50% số trường và 51% số học sinh) thực hiện dạy học môn Tiếng Anh tự chọn cho lớp 1. Ngoài ra, có 859 trường thực hiện dạy học môn tiếng Dân tộc tự chọn cho lớp 1 bắt đầu học kỳ II (học kỳ I các trường cần tập trung tăng cường tiếng Việt).

Về phòng học bộ môn, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, tình trạng chung là các tỉnh vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng; đặc biệt là phòng học Tin học, Ngoại ngữ (khoảng 60% số trường có phòng học Tin học, Ngoại ngữ). Bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các sở GD-ĐT thực hiện rà soát, dồn ghép, quy hoạch mạng lưới trường lớp đưa học sinh từ lớp 3, lớp 4, lớp 5 từ điểm lẻ về học tại điểm trường chính, khắc phục khó khăn của việc tổ chức dạy học Tin học, Ngoại ngữ.

Cần tích cực  đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tin học

Về đội ngũ giáo viên (GV), thông tin từ Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, tỷ lệ bình quân hầu hết các tỉnh đạt tỷ lệ 1,3 - 1,4 GV/lớp; một số ít tỉnh đạt tỷ lệ 1,5 GV/lớp. Với tỷ lệ này, về cơ bản các tỉnh thực hiện được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với phương án trên 32 tiết/tuần.

Riêng GV tiếng Anh, sau một năm chuẩn bị, chúng ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ. "Năm 2018, tỷ lệ lớp 1 học tiếng Anh còn thấp nhưng năm 2019, chúng ta đã nâng hệ số GV tiếng Anh lên 0,16, sẵn sàng cho Chương trình GDPT mới", ông Thái Văn Tài thông tin.

Giống như tiếng Anh, Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3. Theo ông Thái Văn Tài, hiện còn 27/63 tỉnh chưa sẵn sàng GV cho môn Tin học. Tỷ lệ cần đạt tối thiểu là 0,04 GV/lớp để đủ dạy môn Tin học bắt buộc trong Chương trình GDPT mới. Các tỉnh cần có giải pháp quyết liệt tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ số GV tin học dạy môn Tin học bắt buộc trong Chương trình mới từ năm học 2022 - 2023.

Minh Vân