Luật Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm nước của Trung Quốc

Ưu tiên hàng đầu trong hệ thống pháp luật về môi trường

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 09:00 - Chia sẻ
Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng các số liệu cho thấy trên 70% nguồn nước tại các sông, hồ và 50% các đô thị tại Trung Quốc có nước ngầm bị ô nhiễm. Vì vậy, đất nước gấu trúc rất nỗ lực xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó Luật Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm nước được coi là một trong những trụ cột chính.

Quyết tâm chính trị 

Tăng trưởng như vũ bão một mặt tạo bệ phóng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng mặt khác lại khiến cho môi trường sinh thái nước này xuống cấp trầm trọng. Trong đó, ô nhiễm nước là một trong những thách thức đau đầu nhất đối với các nhà hoạch định chính sách. Theo thống kê của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, khoảng 32,5% của hệ thống gồm 7 sông lớn và 29,2% lưu vực chính không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nước hiện hành (cấp III trở xuống) trong năm 2015. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc xả thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt không được xử lý trong thời gian dài đổ vào các vùng nước trên. Cũng trong năm 2015, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã công bố báo cáo cho biết, 2/3 lượng nước ngầm và 1/3 lượng nước bề mặt không an toàn đối với con người. Theo tiêu chuẩn phân chia chất lượng nước của Trung Quốc, chất lượng nước loại I, II, III là loại nước có chất lượng đạt tiêu chuẩn thích hợp dùng để ăn uống, sinh hoạt; loại IV là loại nước dùng trong công nghiệp và không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người; loại V là loại nước dùng trong nông nghiệp và nước dùng cho cảnh quan có yêu cầu thông thường.

Trước tình hình đó, năm 2011, Chính phủ đã thông qua Quy hoạch ngăn ngừa nguồn nước ngầm ô nhiễm trên toàn quốc với quyết tâm chặn đứng xu thế đang ngày càng nghiêm trọng này. Đến năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố khoản ngân sách lên tới 330 tỷ USD nhằm giảm 30 - 50% tình trạng ô nhiễm nước, với các mục tiêu riêng biệt được đặt ra cho các mốc 2015, 2020 và 2030. Năm sau, Trung Quốc tiếp tục công bố Kế hoạch hành động phòng chống và kiểm soát ô nhiễm nước, đặc biệt nhắm vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng. Kế hoạch nêu rõ, đến năm 2020, 70% lượng nước ở các lưu vực chính và 93% nguồn nước uống ở các thành phố lớn phải đáp ứng tiêu chuẩn cấp III trở lên.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc vào năm 2016 cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể trong việc nâng cấp các công trình xử lý nước thải đô thị và tăng tỷ lệ xử lý nước thải. Trung Quốc hiện vẫn đang theo đuổi giải pháp tái chế nước toàn diện, dự kiến sẽ tăng hơn 50% nguồn cung nước sạch.


Nguồn: ITN

Tăng cường trách nhiệm và vai trò giám sát

Tháng 6.2017, dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua và Luật chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1.1.2018. Văn bản mới tăng cường trách nhiệm và sự giám sát của Chính phủ đối với vấn đề trên. Trong phạm vi luật, có bốn lĩnh vực trọng tâm cần lưu ý đó là hệ thống lãnh đạo về bảo vệ nguồn nước hay còn gọi là hệ thống “các thủ lĩnh sông”, bảo vệ an toàn nước uống, kiểm soát ô nhiễm nước nông nghiệp và đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật.

Cụ thể, hệ thống lãnh đạo về bảo vệ nguồn nước đã lần đầu tiên được đưa vào luật mới. Theo đó, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm giải quyết ô nhiễm nước, bao gồm công tác bảo vệ tài nguyên, quản lý tuyến dẫn nước, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và phục hồi sinh thái. Các quan chức hoàn thành nhiệm vụ sẽ được khen thưởng, ngược lại sẽ phải đối mặt với những hình phạt và bị hạn chế cơ hội thăng tiến. Thực tế, hệ thống “thủ lĩnh sông” này lần đầu tiên được thí điểm thành công ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô cách đây một thập kỷ để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ở hồ Taihu do tảo gây ra và đã được triển khai trong những năm gần đây trên khắp đất nước như một phần trong nỗ lực mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống ô nhiễm nước.

Cũng trong luật sửa đổi, để ngăn ô nhiễm nước từ nguồn nông nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu... phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn nước sạch và chất lượng nước uống là một lĩnh vực quan trọng khác. Luật quy định, các nguồn nước khẩn cấp và dự phòng cần được thiết lập tại các thành phố chỉ có nguồn nước duy nhất và chính quyền trên cấp quận phải cung cấp thông tin công khai về chất lượng nước uống ít nhất một lần mỗi quý. Các nhà cung cấp nước uống không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị phạt và bị đình chỉ hoạt động cho tới khi khắc phục được hậu quả. Thậm chí, những ai xây dựng hệ thống thoát nước thải trong khu vực nguồn nước uống được bảo vệ còn  bị phạt nặng hơn.

Theo luật sửa đổi, mức tiền phạt lớn nhất cho các vi phạm có thể lên tới 1 triệu Nhân dân tệ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, hình phạt đóng cửa và truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có thể được áp dụng. Luật cũng quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc giám sát các chất gây ô nhiễm nước. Đối với các doanh nghiệp không có thiết bị giám sát hoặc để thiết bị giám sát không hoạt động, họ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 200.000 Nhân dân tệ.

Các nhà lập pháp mong đợi các biện pháp tích cực mới sẽ giúp mang lại thành tựu và động lực cho Trung Quốc trong công tác bảo vệ môi trường.

Linh Anh