Chính sách và cuộc sống

Ưu tiên cho ổn định!

- Thứ Ba, 18/02/2020, 08:10 - Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2020 tăng 1,23% so với tháng 12.2019 và tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, trong đó lương thực tăng 0,79%, thực phẩm tăng 2,6%.

Thông thường yếu tố giá lương thực, thực phẩm sẽ chỉ tăng cao trong khoảng từ 1 - 2 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, sau đó có xu hướng giảm dần trong quý II và III. Tuy nhiên tình thế năm nay có thể sẽ khác, khi hạn hán và nắng nóng được dự báo sẽ ở mức đỉnh điểm khi chu kỳ El-nino đã quay trở lại Việt Nam. Những ngày này, mức độ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã vượt mốc kỷ lục 100 năm từng xảy ra vào năm 2016. Hoạt động sản xuất nông nghiệp trên cả nước vì thế có thể gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo giá lương thực, thực phẩm tăng cao.

Mối lo không kiềm chế được lạm phát dưới 4% như yêu cầu của Quốc hội càng lớn hơn với sự xuất hiện của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19). Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch kết thúc trong quý I.2020 thì CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%; nếu kết thúc trong quý II, CPI bình quân năm 2020 sẽ tăng tới 4,86%.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết, Chính phủ phải thông điệp rõ ràng về quyết tâm ổn định vĩ mô, kiên trì và thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, đừng vì vài quý tăng trưởng kinh tế sụt giảm mà lại bỏ hết chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá.

Hiện tại, một số nước đã và sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt tác động của Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế. Thái Lan hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân. Tương tự, Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm. Trong khi đó, Malaysia cũng đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế… Việt Nam có thể tính toán tới các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng cần hết sức thận trọng và phải dựa trên những bài học đắt giá của những gói kích thích và chương trình hỗ trợ đã ban hành trong quá khứ. Đừng quên giai đoạn 2008 - 2009, khi chịu tác động nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tung ra gói kích cầu, trong đó chỉ riêng phần dành cho hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đã lên tới 1 tỷ USD, để rồi cái giá phải trả là những đợt lạm phát kéo dài hai con số.

Lạm phát đi liền với giá cả, nhưng cái gốc vẫn là tiền tệ. Trị lạm phát cần phải trị tận gốc chứ không nên bắt đầu từ ngọn. Vì vậy, bên cạnh những động thái quyết liệt và dứt khoát trong chỉ đạo kiểm soát giá cả, Chính phủ cũng cần phải có những chỉ đạo kiên quyết hơn, nhất quán đối với chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Khi một chính sách tiền tệ đã được lựa chọn, điều quan trọng là cần phải dứt khoát hơn trong quá trình thực thi chính sách. Làm được như thế thì mới hy vọng lấy lại được niềm tin của thị trường - một yếu tố nền tảng cho những ổn định vĩ mô, cũng là tiền đề cho tăng trưởng bền vững.

Hà Lan