Cai nghiện ma túy

Ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình

- Thứ Ba, 30/06/2020, 06:24 - Chia sẻ
Số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng trong bối cảnh các cơ sở cai nghiện công lập rơi vào tình trạng quá tải. Lựa chọn mô hình nào phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam là một câu hỏi không đơn giản.

Cơ sở cai nghiện quá tải

Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an Trung tá Hoàng Văn Hiều cho biết, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp đã gây ra nhiều vụ thảm án, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Từ năm 2014 - 2019 cả nước có 65 nạn nhân bị giết trong các vụ thảm án do đối tượng "ngáo đá" gây ra. Lực lượng công an phát hiện có có hơn 5.000 vụ với hơn 32.000 người sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường, karaoke, quán bar… và có đến hơn 7.500 vụ với hơn 18.000 người nghiện phạm vào các tội cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích…

 

Độ tuổi nghiện ngày một trẻ hóa, đối tượng dưới 18 tuổi không đưa vào cơ sở cai nghiện là hợp tình, hợp lý, hợp pháp nhưng chưa phù hợp thực tiễn. Bởi nếu để các em dưới 18 tuổi ở nhà thì gia đình chưa đủ năng lực để xử lý, cán bộ địa phương khó lòng nắm được, dễ để lại khoảng trống trong cai nghiện.

Đại diện cơ sở cai nghiện số 3 tại TP Hồ Chí Minh BÙI THANH TUẤN

Mặc dù, số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng nhưng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện các cơ sở cai nghiện đang quá tải. Cả nước hiện có 102 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó 97 cơ sở cai nghiện công lập và 15 cơ sở ngoài công lập, công suất thiết kế cho hơn 50.000 người cai nghiện. Hiện tại, tổng số học viên được quản lý tại các cơ sở cai nghiện là 34.982 người, trong đó 27.124 người theo quyết định của tòa án. Ði cùng với đó là tình trạng quá tải cơ sở cai nghiện công lập, đội ngũ nhân viên, bác sĩ lại quá mỏng. Ðiển hình như, vụ việc mất kiểm soát ở Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang vừa qua, có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thực trạng thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng. “Công suất thiết kế chỉ đạt mức 300 - 350 học viên, nhưng thực tế lại có hơn 600 người. Một phòng ở có đến gần 80 học viên thì cai nghiện làm sao?”. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đặt câu hỏi.

Bên cạnh thiếu cơ sở vật chất, quá trình thực hiện pháp luật liên quan công tác cai nghiện ở nước ta còn chồng chéo, bất cập, chưa sát với thực tế. Ðơn cử, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải chứng minh được tình trạng nghiện của người nghiện ma túy. Trên thực tế, chỉ cần người nghiện không hợp tác thì rõ ràng không thể xác định được “tình trạng” nghiện, nhất là đối với trường hợp nghiện các dạng ma túy tổng hợp. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy lại quy định việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, nhưng thực tế hầu như không có xã, phường nào đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm tính chuyên môn để thực hiện, dẫn đến việc triển khai chiếu lệ, hình thức, gây lãng phí và tác dụng ngược…

Can thiệp sớm

Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS) Marie Odile Emond cho rằng, tình trạng lệ thuộc vào ma túy là một vấn đề sức khỏe và người lệ thuộc ma túy là người mắc bệnh mãn tính về não bộ, cần được điều trị lâu dài với các can thiệp toàn diện, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tâm lý và hỗ trợ xã hội. Chính vì thế, Việt Nam cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để quy định cả dự phòng và điều trị rối loạn do sử dụng ma túy, bao gồm các can thiệp giảm tác hại liên quan đến sử dụng ma túy…

Từ góc độ đánh giá tính hiệu quả các mô hình cai nghiện, đại diện Bộ Công an cho rằng, thực tế cho thấy mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mang tính nhân đạo và hiệu quả cao nhưng đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp đầu tư về nguồn lực tài chính, nhân lực. Các văn bản, chính sách pháp luật về lĩnh vực này cần bảo đảm tính thống nhất. Trong đó, quy định hình thức cai nghiện bắt buộc phải tuân theo quy trình ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; ưu tiên xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực này…

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) Khuất Thị Hải Oanh cho rằng, can thiệp sớm trong cai nghiện ma túy, giúp giảm bớt số người nghiện, phù hợp với hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về công tác dự phòng cho người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, ngành chức năng cần nghiên cứu chính sách áp dụng các biện pháp chuyên môn chứ không phải biện pháp hành chính vốn không hiệu quả, hạn chế. Hiện nay, cả Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều khuyến khích cai nghiện tự nguyện và cai nghiện cộng đồng nên Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cần có quy định rõ vấn đề đầu tư cho các hoạt động này. Cùng với đó, việc áp dụng cai nghiện bắt buộc cần có những điều kiện chặt chẽ, phù hợp; đồng thời cần quy định các điều kiện kỹ thuật, chuyên môn nghiêm ngặt hơn với các cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc.

Thái Yến