Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng

- Thứ Tư, 27/11/2019, 18:02 - Chia sẻ
Đối với ngành Xây dựng, khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, đặc biệt góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình.

Phát triển vật liệu xây dựng mới

Với sự phát triển kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lĩnh vực vật liệu xây dựng đã tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến giúp tăng năng suất lao động của ngành đồng thời nâng cao chất lượng đô thị và các công trình xây dựng trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững”, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam, TS. Lê Trung Thành cho biết: Việc phát triển vật liệu xây dựng đòi hỏi phải áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn. Điều này thậm chí còn rất cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.


Cầu Vĩnh Tuy

Bộ Xây dựng và Bộ KHCN cũng đã thực hiện ký kết Chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh các hoạt động KHCN trong ngành xây dựng từ năm 2015. Sau khi có chương trình phối hợp được Lãnh đạo hai bộ ký kết đã tạo động lực lớn thu hút sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã chú trọng giải quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất.

Việc ứng dụng KHCN thúc đẩy tăng năng suất lao động trong sản xuất vật liệu xây dựng và tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng tính năng cao, thân thiện môi trường. Lĩnh vực vật liệu xây dựng có tỷ trọng lớn về đổi mới công nghệ, cơ bản đáp ứng thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Năm 2018, công suất sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính đạt gần 100 triệu tấn xi măng, 706 triệu m2 gạch men, 16 triệu sản phẩm vệ sinh, 260 triệu m2 sản phẩm kính/thủy tinh, 18 tỷ viên gạch đất sét nung, 8 tỷ khối xây xi măng không nung, 200.000 tấn sản phẩm chịu lửa, 250 triệu lít sơn… Các ngành sản xuất xi măng và gốm có sản lượng lớn thứ tư trên thế giới. Các sản phẩm vật liệu xây dựng áp dụng KHCN mới tạo dựng được thương hiệu, chất lượng trong nước và quốc tế. Kính tiết kiệm năng lượng low-e, gạch bê tông nhẹ ACC được nghiên cứu phát triển, lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Tổng công ty Viglacera. Nghiên cứu ứng dụng thanh polyme cốt sợi thủy tinh chống ăn mòn, dùng cho các công trình ven biển…

Rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng

Thời gian gần đây, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong xây dựng diễn ra sôi động và ngày càng trở thành tiền đề tất yếu, sống còn để các doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì được năng lực cạnh tranh trong dài hạn, bứt phá phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng.

Các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ nhiều công nghệ trong thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình công nghiệp có quy mô lớn và các công trình đặc biệt khác. Nhiều nghiên cứu ứng dụng KHCN đã được thực hiện trong các lĩnh vực nền móng, trắc địa công trình; gia cố nền đất yếu, cọc, hồ đào; công trình ngầm, độ nghiêng nhà siêu cao tầng; công nghệ thi công kết cấu nhịp lớn; ứng suất trước kết cấu bê tông cốt thép; phòng chống cháy, động đất, gió bão cho nhà và công trình; công nghệ thi công bê tông mặt đường, bê tông khí, bê tông đầm lăn; bê tông và vữa đặc biệt, nghiên cứu bê tông cốt sợi thép siêu mảnh sử dụng cho các kết cấu thành vỏ mỏng…


Các công trình sử dụng gạch không nung

Các kết quả trong lĩnh vực công nghệ xây dựng đã trực tiếp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với hàng ngàn các công trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: năng lượng, nhà ở, đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ xử lý nền đất yếu bằng bơm hút chân không(VCM) tại Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian thi công từ 33% đến 50%, góp phần đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm khối lượng đất đắp vốn khan hiếm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm diện tích thu hồi đất. Hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS) đã giúp giảm tới 50% nhân lực trong công tác vận hành, 20% nhân lực trong công tác quản lý thu giá đường cao tốc, nâng cao hiệu quả giám sát, chống thất thoát tiêu cực trong công tác thu giá. Kết cấu dầm bản bán lắp ghép tại cầu vượt FO03 (Gói thầu 3B) Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giúp tiết kiệm 63% chi phí sản xuất dầm, đồng thời rút ngắn thời gian thi công chỉ còn 70% so với kết cấu dầm bản rỗng đổ tại chỗ truyền thống.

Hoạt động KHCN ngành xây dựng đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam nói chung và sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành nói riêng. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã chú trọng giải quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo các thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất. Đóng góp của KHCN đã khẳng định được vai trò động lực trong phát triển lĩnh vực xây dựng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xuân Tùng