Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản:

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An<br>Bài 1: “Cú hích” nâng cao giá trị nông sản

- Thứ Sáu, 19/10/2018, 18:40 - Chia sẻ
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, thời gian qua tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đem lại kết quả đáng khích lệ. Thực tế, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng đã đưa giá trị sản xuất của tỉnh đạt bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp…

Nhiều mô hình hiệu quả

Với diện tích chè 8.200ha, cao su 12.200ha và cam 4.700ha; tổng đàn gia súc, gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản xếp top đầu cả nước… việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Nghệ An là điều hết sức cần thiết và rất tiềm năng. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, thách thức về nguồn vốn, chính sách đất đai và đầu ra cho sản phẩm.

Đến thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong trồng cây dưa lưới, dưa kim hoàng hậu, dưa chuột Israel của anh Trần Khắc Thẩm (xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn) chúng tôi mới hiểu rõ tại sao đây lại là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo anh Thẩm, chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m2 khá lớn, từ nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giàn treo, màng phủ lót nền đến hơn 500 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 100 triệu đồng. “Loại dưa này thu hoạch từ 3 - 4 tháng mới hết vụ. Mỗi ngày thu hái được 200 - 300kg dưa leo, giá 23.000 đồng/kg. Thị trường chủ yếu là các siêu thị rau sạch trên địa bàn TP Vinh, các chợ thành phố và huyện. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình trồng thêm các loại như cà chua, bắp cải, dưa lưới…” - anh Trần Khắc Thẩm thông tin.

Cũng nằm trên địa bàn huyện Nam Đàn, xã Nam Anh có truyền thống sản xuất rau hàng hóa, điển hình là cây hoa thiên lý, có giá trị thu nhập 200 - 300 triệu đồng/ha.  Nam Anh hiện là địa phương có mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn nhất huyện. Xã có nhiều câu chuyện thành công như mô hình trồng rau thủy canh với diện tích khoảng 2.000m2 của anh Nguyễn Kim Nam; mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống nhỏ giọt trong trồng cây dưa lưới, dưa kim hoàng hậu và dưa chuột Israel với tổng 4.000m2 của Tổ hợp tác thanh niên do anh Lê Cảnh Hiếu làm tổ trưởng; mô hình trồng rất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Nguyễn Thế Sơn… Chủ tịch UBND xã Nam Anh Hồ Viết Sỹ chia sẻ: Hiện, địa phương cũng đang tiếp tục hỗ trợ để triển khai mô hình trồng rau bằng phương pháp hữu cơ, cung cấp rau an toàn cho người tiêu dùng.

Mô hình trồng dưa chuột Israel của anh Trần Khắc Thẩm (xã Nam Phúc) Ảnh: Hải Phong

Dù mới được đưa vào trồng thử nghiệm, nhưng mô hình thâm canh giống dưa lưới trên địa bàn xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới 1.000m2 với những luống dưa lưới xanh mướt, chị Võ Thị Ngọc (xóm Tâm Mỹ, xã Tam Hợp) phấn khởi cho biết: Được hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng 2.200 gốc dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng theo công nghệ Nhật Bản với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. “Vụ thử nghiệm đầu tiên,  sau 3 tháng vườn dưa cho sản lượng khoảng 3 tấn và giá sỉ bán tại vườn từ 40 - 50 nghìn đồng/kg; trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng”, chị Ngọc cho biết.

Còn với huyện Tân Kỳ, thời gian gần đây trên địa bàn đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo bằng hình thức liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như hộ ông Bùi Văn Thuận (xã Nghĩa Bình) đang nuôi 17 con bò thịt giống ngoại. Theo ông Thuận: Đầu năm 2018, có chủ lò mổ ở Hà Nội liên kết với gia đình chăn nuôi bò thịt vỗ béo bằng giống bò nhập ngoại chất lượng cao. Được đối tác cung ứng con giống lứa đầu 16 con, vốn đã có gần 1ha cỏ voi trồng trước đó, cùng với thức ăn tinh do phía đối tác cung ứng. “Sau 4 tháng chăm sóc, trọng lượng bò đạt 550 - 600 kg/con, được chủ lò mổ mua với giá 78.000 đồng/kg, lãi 150 triệu đồng. Sau khi xuất chuồng lứa đầu, phía đối tác tiếp tục cung ứng 17 con giống cùng với thức ăn cho gia đình nuôi, hiện đang phát triển tốt”, ông Thuận cho biết.

Hướng tới nền nông nghiệp sạch

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đối với Nghệ An, nhiều HTX, tổ hợp tác ngoài quan tâm đến năng suất, còn coi trọng chất lượng, đầu ra cho sản phẩm. Các HTX chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo hướng tích cực nhưng chưa phổ biến, chưa nhiều. Đây đang là khó khăn lớn của nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh NGUYỄN VĂN LẬP

Thực tế, với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được UBND tỉnh Nghệ An ban hành kịp thời, đã tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho cây trồng, vật nuôi chủ lực; đồng thời thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp...

Hiện, tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh là 9.502ha, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất đại trà. Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao cũng được đẩy mạnh với tổng đàn bò sữa đạt 47.600 con; đàn lợn 13.300 con; gần 70 trang trại có ứng dụng công nghệ cao.

Song song với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp của Nghệ An đang từng bước tiến tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, bước đầu đã đạt được một số kết quả như: Hình thành các vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, Organnic với 425ha, điển hình như: Sản xuất rau, củ quả tại xã Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Đàn); vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP tại các xã Bãi Ngang (huyện Quỳnh Lưu) và thị xã Hoàng Mai; xây dựng 7 vùng nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (150ha); trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ của Công ty TH TrueMilk...

Diệp Anh