Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chuẩn đoán, điều trị bệnh ung thư

- Chủ Nhật, 30/10/2016, 16:02 - Chia sẻ
Việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới mấy năm gần đây đã được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam, góp phần chẩn đoán sớm và điều trị sớm cho các bệnh nhân mắc ung thư, cứu sống nhiều người trước cửa tử với chi phí tiết kiệm.

Nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới, số người mắc mới không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tử vong do ung thư của nước ta cao là do công tác chẩn đoán, điều trị chưa kịp thời đặc biệt là công tác chẩn đoán sớm, phát hiện sớm tái phát, di căn ung thư. Có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, mà hầu hết các bệnh nhân đều ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng, dẫn đến hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao. Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt để điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp sát, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc.

Những năm gần đây, việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới đã được các nhà khoa học nghiên cứu, bước đầu áp dụng thành công tại Việt Nam. Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Mai Trọng Khoa, trong lĩnh vực Y học hạt nhân, hiện nay chúng ta đã có các máy SPECT, SPECT/CT hiện đại ở hầu hết các bệnh viện lớn trong cả nước, 6 máy PET/CT ở các bệnh viện lớn như BV Bạch Mai, BV Quân đội 108, BV Quân đội 103, BV Chợ Rẫy, BV Đa khoa Đà Nẵng, BV Việt Đức; 05 máy Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ trong đó có máy Cyclotron công suất 30 MeV lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, chúng ta đang có kế hoạch lắp đặt hệ thống máy PET/MRI đầu tiên ở Việt Nam. Các thuốc phóng xạ được ứng dụng chẩn đoán và điều trị bệnh nhiều lĩnh vực ung thư, nội tiết, tiêu hoá.

Trong lĩnh vực xạ trị, hầu hết các bệnh viện lớn đã có máy xạ trị gia tốc thay thế cho máy xạ trị Cobalt cổ điển, có các thiết bị xạ phẫu hiện đại như máy Cyber knife, dao Gamma quay. Chúng ta đã thực hiện được các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như điều biến liều (IMRT), xạ trị theo hướng dẫn của hình ảnh (IGRT), xạ trị điều biến thể tích (VMAT)... mang lại hiệu quả cao trong điều trị, hạn chế biến chứng cho bệnh nhân. Nhiều trung tâm lớn có các thiết bị bức xạ hiện đại như Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân đội 103.


Một ca điều trị ung thư gan cho bệnh nhân bằng phương pháp hạt vi cầu phóng xạ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. (Nguồn: ITN)

Nhiều kỹ thuật hiện đại sử dụng bức xạ ion hóa đã được đưa về ứng dụng trong chẩn đoán như kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT: Positron Emission Tomography) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; trong điều trị như: kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT: Intensity-Modulated Radiation Therapy) kết hợp hình ảnh PET/CT mô phỏng điều trị ung thư, xạ phẫu (radiosurgery) bằng dao gamma quay (Rotating Gamma Knife) điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc (SIRT: Selective internal radiation therapy) bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 điều trị ung thư gan nguyên phát và thứ phát; kỹ thuật cấy hạt phóng xạ I-125 điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Permanent radioactive seed implant); kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ (RIT: Radioimmunotherapy) và xạ trị áp sát (Brachytherapy) điều trị ung thư; kỹ thuật miễn dịch phóng xạ (RIA: Radioimmunoassay) và sử dụng một số thuốc phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết. Các kỹ thuật kể trên đều là những kỹ thuật tiên tiến và hiện đại trên thế giới, nhiều kỹ thuật mới chỉ có ở các nước rất phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản.

Mang lại sự sống cho bệnh nhân ung thư

Với việc ứng dụng các kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại của các quốc gia phát triển và một số nước trong khu vực vào chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác tại Việt Nam đã nâng tầm trình độ y học hạt nhân của nước ta ngang bằng với các nước trong khu vực. Trong đó, một số kỹ thuật như sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng lập kết hoạch xạ trị điều biến liều - thì chỉ một số ít nước trên thế giới ứng dụng thành công. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á làm chủ được công nghệ xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Chính những thành công này đã tạo niềm tin cho nhiều bệnh nhân ung thư là người Việt Nam ở lại điều trị trong nước, không phải ra nước ngoài chẩn đoán và điều trị. Chỉ riêng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai đến nay đã có hơn 60.000 bệnh nhân ung thư các loại được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT; hơn 4.000 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay, 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính... qua đó làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tăng tỷ lệ điều trị thành công, chữa khỏi cho các bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác ở nước ta đặc biệt là giai đoạn sớm.

Không chỉ bệnh nhân người Việt đã tin tưởng vào trình độ chẩn đoán, điều trị các loại bệnh ung thư của ngành y học nước nhà mà nhiều bệnh nhân người nước ngoài ở châu Á bị mắc bệnh ung thư và một số bệnh lý khác đã đến và được điều trị thành công tại các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam. Những kỹ thuật tiên tiến trên đã được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh này.

GS.TS Mai Trọng Khoa cho rằng, tới đây cần tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới Y học hạt nhân, Điện quang và Xạ trị, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các trung tâm Điện quang, Y học hạt nhân và Xạ trị tại các bệnh viện lớn. Cần liên tục học tập, cập nhật các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... để tiếp tục nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân. Đầu tư, mua các thiết bị hiện đại tiên tiến sử dụng bức xạ ion hoá dựa trên các nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác như xã hội hoá, liên doanh liên kết. Đặc biệt, khâu quyết định nhất là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại, có trình độ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác" của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Mai Trọng Khoa vừa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2016. Thông qua cụm công trình, các kỹ thuật mới được nhóm tác giả tiếp thu, nghiên cứu, làm chủ và trực tiếp đưa vào ứng dụng tại Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác ở Việt Nam, giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh và hiệu quả điều trị nhiều loại ung thư và một số bệnh lý khác. Trên cơ sở đó, các bác sĩ đã đưa ra được phương án điều trị chính xác, phù hợp, hiệu quả và an toàn cho từng bệnh nhân, góp phần giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị ung thư tái phát, di căn, điều mà mà các phương pháp trước đó không đáp ứng được. 

Tự Cường