Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu : Dân chủ đòi hỏi tinh thần công dân tích cực

- Thứ Sáu, 20/05/2011, 07:40 - Chia sẻ
Trong vài thập niên gần đây, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có xu hướng giảm dần trên toàn thế giới. Dữ liệu bầu cử nghị viện và tổng thống của 214 quốc gia và lãnh thổ từ năm 1945 đến 2006 cho thấy, từ năm 1945 đến 1960, tính trung bình, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu so với số cử tri trong danh sách đăng ký đạt hơn 76%. Tỷ lệ này tăng nhẹ lên 77% vào những năm 1961 đến 1975, sau đó giảm xuống còn gần 75% vào các năm từ 1976 đến 1990.

Một cử tri Afghanistan vừa thực hiện quyền công dân
Từ năm 1990 đến 2006, tỷ lệ này giảm khá nhiều, xuống còn gần 70%. Điều đáng nói là, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm với tốc độ chậm nhưng diễn ra liên tục và vẫn chưa thấy chiều hướng tăng lên.

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về biện pháp tăng tỷ lệ này, nhưng xu hướng trên kéo theo sự lo ngại của chính phủ các nước, các cơ quan tổ chức bầu cử, các tổ chức phi chính phủ, và cả người dân. Sự lo ngại xuất phát từ quan niệm, dân chủ đòi hỏi tinh thần công dân tích cực, bởi lẽ thông qua sự thảo luận rộng rãi, sự quan tâm, sự tham gia vào việc công, các mục tiêu xã hội sẽ được định hình và thực thi. Trong khi đó, bỏ phiếu là hình thức tương tác then chốt giữa các công dân với những người được bầu, tạo nên nền tảng vận hành của cả nền dân chủ, tạo nên giá trị biểu tượng lớn lao.

Nhìn từ góc độ hẹp, dân chủ đại diện được coi là một hệ thống chính quyền, trong đó người dân bỏ phiếu chọn lựa những người sẽ thay mặt họ xác định và thực thi chính sách. Hành động bỏ phiếu làm cho công dân trực tiếp quan tâm đến hoạt động của chính phủ, tạo cơ hội tham gia của dân. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kéo theo sự rạn vỡ trong mối liên kết giữa công dân và hệ thống dân chủ, hành động của chính phủ ít thích ứng hơn với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Quan trọng hơn, nếu không có sự tham gia của công chúng vào quá trình dân chủ, nền dân chủ sẽ mất đi sự chính danh và thiếu lực đẩy then chốt.

Không chỉ là công cụ kiểm soát hoặc tác động lên quá trình ra quyết sách của quốc gia, dân chủ còn phải được coi là một phong cách sống của công chúng, tạo điều kiện để công dân cảm thấy mình là một phần trong quá trình đó. Bầu cử là cách thức cơ bản để công chúng có thể tác động lên quá trình ra quyết định trong một nền dân chủ đại diện, là một dạng quyết định tập thể, tạo điều kiện cho công chúng kiểm soát các chính trị gia ở mức độ nhất định.

Đi bỏ phiếu là một hình thức tham gia vào chính trị dễ dàng nhất, đại chúng nhất, đông đảo nhất. Do đó, không khỏi thấy khó hiểu và lo ngại khi xu hướng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm dần trên phạm vi toàn thế giới.

Để khắc phục tình trạng nói trên, có 6 dạng hoạt động nhằm thu hút cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn, đó là: các hoạt động cung cấp thông tin như cần đăng ký danh sách cử tri như thế nào, hoặc bỏ phiếu ra sao; các đợt quảng bá, truyền thông như tại sao cử tri nên đi bỏ phiếu; các phong trào dân chủ cơ sở huy động quần chúng; các chương trình giáo dục về bầu cử như đóng kịch bầu cử ở trường; các hoạt động giải trí; các biện pháp khuyến khích  việc đi bỏ phiếu hấp dẫn hơn.

Lê Anh