Tuyên Quang đẩy mạnh quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 23:05 - Chia sẻ
Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 448.579,61ha, chiếm 76,4% diện tích tự nhiên. Trong đó diện tích đất có rừng là 422.472ha (gồm rừng đặc dụng 46.934,41ha, chiếm 10,5%; rừng phòng hộ 121.627,06ha, chiếm 27,1%; rừng sản xuất 280.018,14ha, chiếm 62,4%). Giai đoạn 2015 - 2018 bình quân mỗi năm cho khai thác trên 800.000m3 gỗ.

Để phát huy lợi thế và nâng cao giá trị sản xuất từ cây lâm nghiệp, những năm qua, Tuyên Quang đã ban hành chính sách thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện để nhà đầu tư xây dựng dự án, nhà máy chế biến gỗ với quy mô lớn, như: Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa với công suất tiêu thụ 500.000m3 gỗ nguyên liệu giấy và 195.000 tấn nguyên liệu sợi dài/năm; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang với công suất các loại sản phẩm 170.000m3 sản phẩm/năm (nhu cầu nguyên liệu khoảng trên 210.000 tấn nguyên liệu gỗ xẻ); và trên 230 nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản khác đang hoạt động như Nhà máy đũa Phúc Lâm công suất 250 triệu sản phẩm/năm (nhu cầu về nguyên liệu 10.000m3 gỗ Bồ đề), Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang công suất 7.500 tấn sản phẩm (nhu cầu nguyên liệu 25 - 30.000 tấn/năm)...

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 25.366ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC, chiếm 18,7% diện tích rừng trồng sản xuất, trong đó các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý 11.584ha; các công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam là 3.650ha; các nhóm hộ gia đình 2.592ha; các hợp tác xã, công ty cổ phần 4.886ha. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến tháng 7.2019, Tuyên Quang đứng đầu toàn quốc về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 diện tích được cấp chứng chỉ của tỉnh chiếm 16,4% diện tích cấp chứng chỉ cả nước.

Quản lý rừng bền vững đã mang lại cho Tuyên Quang giá trị về môi trường to lớn. Ở những nơi đang thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, người dân không còn lo lắng vì ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, không còn xói mòn đất, không xảy ra cháy rừng vì đốt thực bì trên rừng như trước. Nhận thức của người trồng rừng thay đổi, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt, thay đổi phương thức quản lý, tập quán canh tác; tiếp cận phương thức quản lý, sản xuất tiên tiến của các chủ rừng, đặc biệt là nhận diện được ảnh hưởng trực tiếp của phương thức sản xuất mới đến môi trường, xã hội và kinh tế.

Ngọc Đan