Tương thích với thông lệ quốc tế

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 09:27 - Chia sẻ
Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và 7/8 công ước về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)… Những vấn đề này cần được xem xét, cân nhắc trong quá trình sửa đổi Luật Công đoàn số 12/2012/QH13, sau gần 7 năm luật đi vào cuộc sống.

Thay đổi địa vị pháp lý

Điều 1, Luật Công đoàn 2012 quy định về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…”.

Đây là quy định đặc biệt quan trọng trong Luật Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của công đoàn tại các chương tiếp theo, tạo hành lang pháp lý cho công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định. Tuy nhiên, do quy định này được xây dựng trước khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nên vẫn còn một số vấn đề chưa hoàn toàn thống nhất với quy định của Hiến pháp, đồng thời điều chỉnh về kỹ thuật pháp lý tại Điều 1 Luật Công đoàn để tương thích với Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua tháng 11.2019, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động như ghi nhận địa vị pháp lý của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Do đó, để phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do công đoàn và thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, và tương thích, đồng bộ, thống nhất với Điều 10, Hiến pháp năm 2013. Trong quá trình lấy ý kiến cho thấy, đã có 58/83 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, trung ương đề xuất cần nghiên cứu, điều chỉnh lại Điều 1 Luật Công đoàn 2012 và sửa đổi một số từ ngữ để bảo đảm tương thích, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Khắc phục tình trạng phối hợp chung chung trong hoạt động công đoàn  

Nguồn: ITN 

Khắc phục tình trạng phối hợp chung chung

Điều 20, Luật Công đoàn xác định: “Quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, phối hợp để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”.

Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Công đoàn ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và chủ yếu tập trung nhiều đối với cán bộ công đoàn, chưa chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong công nhân lao động. Một bộ phận cán bộ, đoàn viên, cán bộ quản lý nhà nước hiểu và nhận thức về Luật Công đoàn còn ít, không nắm rõ nội dung Luật, thậm chí cho rằng việc thực hiện Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành là trách nhiệm, là việc của riêng tổ chức Công đoàn.

(Nguồn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Kết quả 7 năm thực hiện Luật Công đoàn cho thấy, về cơ bản các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã  hợp tác, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, tạo sự thuận lợi trong quan hệ giữa công đoàn với chính quyền, chuyên môn đồng cấp để thực hiện tốt chức năng, quyền, trách nhiệm của các bên theo quy định. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính phủ đã ký kết, thực hiện Quy chế phối hợp công tác. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đã chủ động trong tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố với Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố. Định kỳ hàng năm đánh giá kết quả thực hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của địa phương.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp công tác. Qua đó tạo điều kiện cho các cấp công đoàn thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, có cơ sở tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng thực hiện tốt hơn quy định của pháp luật lao động đối với người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chất lượng của công tác phối hợp giữa Công đoàn với chuyên môn đồng cấp đã bảo đảm được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, đã có không ít vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Công Đoàn như việc xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp vẫn còn những khó khăn, bất cập (nội dung phối hợp còn chung chung, mang tính hình thức, khó thực hiện); một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng, ký kết quy chế phối hợp; công tác phối hợp giữa chuyên môn với công đoàn ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả… Đặc biệt, một số nơi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp còn xem nhẹ vai trò của công đoàn cơ sở, Chủ tịch công đoàn cơ sở… nên không muốn xây dựng quy chế phối hợp hoạt động với công đoàn đồng cấp. Cán bộ công đoàn đa phần là kiêm nhiệm, làm cho việc phối hợp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động... Vấn đề này sẽ được xem xét tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Nguyễn Minh