THƯ VIỆN QUỐC HỘI HÀN QUỐC

Tương lai của Thư viện Quốc hội

- Thứ Sáu, 01/11/2013, 08:30 - Chia sẻ
Trong một vài thập kỷ gần đây, sự thay đổi về chính trị - xã hội của Hàn Quốc cùng với sự thay đổi về công nghệ đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo của Thư viện Quốc hội xây dựng chiến lược và tầm nhìn cho sự phát triển của Thư viện Quốc hội như một tổ chức phi lợi nhuận, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước trong tương lai.

Kiện toàn bộ máy tổ chức

Hướng đi mới trong tương lai của Thư viện Quốc hội là bồi dưỡng đội ngũ nhân viên thư viện, bao gồm các nghiên cứu viên và cán bộ thư viện có khả năng. Thư viện có kế hoạch lựa chọn một vài nhóm công tác thư viện, trau dồi họ với sự hỗ trợ chuyên nghiệp gắn liền với mục tiêu của mỗi ủy ban trong Quốc hội. Nhóm đặc biệt này bao gồm các nhà nghiên cứu sẽ giải quyết nhu cầu thông tin chưa đáp ứng được của các Ủy ban thường trực gần như ngay lập tức và phát triển các vấn đề được mong đợi trên cơ sở các nghiên cứu hiện tại. Dịch vụ này hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hiện tại của Thư viện Quốc hội, đồng thời giảm bớt thời gian và chi phí cho các cơ hội khác.   


Phòng đọc
Mở rộng đối tượng sử dụng thư viện

Là Trung tâm dịch vụ pháp lý cho các nghị sỹ Quốc hội, là nơi để các nghị sĩ lấp đầy khoảng trống về thông tin và những giới hạn giữa hoạt động lập pháp và hành pháp, Thư viện Quốc hội cần xây dựng một hệ thống thông tin vững chắc, hỗ trợ tối đa cho công việc của các nghị sĩ. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ của Thư viện Quốc hội không ngừng tăng lên của công chúng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có chiến lược phát triển trong tương lai cho Thư viện Quốc hội, bởi nền dân chủ Quốc hội dựa trên nền tảng là hệ thống đại diện và ý kiến tích cực của công dân. Điều đó có nghĩa là phục vụ công chúng tốt, Thư viện Quốc hội cũng đóng góp một phần trong cái nhìn tích cực của công chúng đối với Quốc hội.

Nâng cấp và mở rộng dịch vụ

Xác định được nhu cầu của người sử dụng để cung cấp các dịch vụ thích hợp là yêu cầu chiến lược đối với bất kỳ thư viện nào. Các đặc tính của dịch vụ mới nên khắc phục những hạn chế của dịch vụ hiện tại và cung cấp tất cả các thông tin cho người sử dụng, đặc biệt là các nhà lập pháp thông qua nhiều mạng lưới thông tin như mạng Intranet (mạng nội bộ), một vài dịch vụ thông tin xây dựng luật, pháp lện như Cơ sở dữ liệu tri thức lập pháp, Cơ sở dữä liệu tham khảo… để có cái nhìn cân bằng cho những tiến bộ của các chính sách của chính phủ.

Dự án Thư viện điện tử

Thư viện Quốc hội đã xúc tiến Dự án thư viện kỹ thuật số để bắt kịp khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng trong kỷ nguyên số cũng như để cung cấp thông tin hiệu quả cho các thành viên Quốc hội và các đơn vị phục vụ. Cụ thể, Thư viện Quốc hội đã cho lắp đặt thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản đầy đủ của Quốc hội, được lên kế hoạch trên cơ sở nguồn vốn từ Chính phủ để thúc đẩy mạng lưới “siêu xa lộ thông tin”.

Hệ thống này cung cấp các bản ghi âm phát biểu của các nghị sỹ trong các phiên họp Quốc hội, chương trình kỳ họp, các dự án luật đang được xem xét, thảo luận, các báo cáo thẩm tra của ủy ban, hệ thống câu hỏi chất vấn bằng văn bản và câu trả lời của các bộ trưởng liên quan… Với hệ thống này, người sử dụng có thể tra cứu bất kỳ văn bản hoặc bản ghi âm nào theo tên của nghị sỹ, tên của dự án luật, số lượng, cơ quan thẩm tra dự án luật, các chủ đề hoặc từ khóa.

Trong thời gian qua, Thư viện Quốc hội đã có nhiều bước phát triển mới, từ việc tích lũy các nguồn tài liệu để thiết lập một thư viện nền tảng, phát triển các dịch vụ truyền thống, tới việc xây dựng một hệ thống thư viện kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của đối tượng sử dụng. Trong giai đoạn an toàn của nền dân chủ, phát triển mô hình dịch vụ thông tin của Thư viện Quốc hội để gia tăng hiệu quả làm việc của các nhà lập pháp là vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của nó như một tổ chức công. Cùng thời điểm đó, các chiến lược phát triển mới cần tập trung chú ý vào khách hàng mới, đó là đối tượng công chúng – bởi khả năng công chúng sẽ trở thành người hỗ trợ có quyền lực cho sự phát triển bền vững của Thư viện trong tương lai.

Bộ sưu tập

Thư viện Quốc hội Hàn Quốc đang sở hữu hơn 5.009.376 đơn vị tài liệu, trong đó, 3.597.387 đầu sách. Sách tiếng Hàn chiếm 76%, tiếng Anh chiếm 14%, tiếng Nhật chiếm 7%, còn lại là các ngôn ngữ khác. Số tài liệu điện tử là 1.008.464 đơn vị, trong đó có nhiều tài liệu là luận án thạc sỹ và luận án tiến sỹ. Ngoài ra, Thư viện cũng lưu trữ các đầu báo trong và ngoài nước, băng ghi âm và băng ghi hình, CD-ROM. Số lượng tạp chí trong và ngoài nước là khoảng 13.300 đầu sách, và số lượng các tờ báo đăng ký là gần 770. Thư viện cũng có hơn 1.600 bản đồ và gần 600 tác phẩm nghệ thuật cá nhân.

Phòng đọc sách

Có tổng số 15 phòng đọc sách tại Thư viện Quốc hội bao gồm các Phòng Tài liệu tham khảo, phòng đọc các thành viên, phòng đọc báo, các phòng đọc định kỳ… Phòng đọc sách gần nhất, được dành cho các nghị sỹ là phòng đọc sách nhỏ, được đặt ngay bên trong hội trường phiên họp toàn thể trong các tòa nhà Quốc hội trong phiên họp toàn thể. Ngoài ra, các thành viên Quốc hội còn có Phòng đọc được đặt bên cạnh lối vào chính của Khu nhà ở của các nghị sỹ, mở cửa thường xuyên. Sẽ chỉ mất 5 phút để đi từ Tòa nhà Quốc hội sang Thư viện Quốc hội.

Nguyễn Hà