Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tuổi nghỉ hưu của nữ bao nhiêu là phù hợp?

- Thứ Bảy, 26/10/2019, 08:21 - Chia sẻ
Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động tích cực đến sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt, tăng cơ hội trong đào tạo, quy hoạch bồi dưỡng, bổ nhiệm. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu cho phù hợp vẫn là băn khoăn của không ít chuyên gia.

Nhiều bất lợi nếu chậm điều chỉnh

Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng cách về tuổi nghỉ hưu thu hẹp dần trong một thập kỷ qua. Giai đoạn từ năm 2017 - 2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng, chiếm 68,4%. Những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu 5 tuổi giữa nam và nữ ngày càng giảm. Nếu trong giai đoạn 2010 - 2011, có 31,35% số nước có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, thì đến giai đoạn 2017 - 2019, chỉ còn 23,3%.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho biết, khoảng cách tuổi hưu dẫn đến thiệt thòi về thu nhập cho nữ giới. Ở nước ta, thu nhập của nữ giới luôn thấp hơn nam giới, vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nữ giới ngắn hơn nam giới 5 năm. Khoảng cách giới về lương hưu năm 2017 cho thấy, lương hưu của nữ chỉ bằng 84% nam giới, thu nhập của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 15%.

Với bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ. Do đó, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra phương án tăng theo lộ trình phù hợp và tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi, nam là 62 tuổi. BHXH Việt Nam cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60 như đề xuất phù hợp với chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Thực tế, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam ngày càng tăng và hiện cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi): tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi và cả hai giới là 76,6 tuổi.


Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 dựa trên cơ sở về chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của phụ nữ Việt Nam
Nguồn: ITN

 Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy, có 54 quốc gia chiếm 30,7% quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60; có 66 quốc gia chiếm 37,5% quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 - 62; có 9 nước chiếm 5,1% quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 - 64; có 38 quốc gia chiếm 21,6% quy định tuổi nghỉ hưu từ 65 - 66; và có 9 quốc gia chiếm 5,1% quy định tuổi nghỉ hưu là 67. Tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 - 62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60 - 62 chiếm 47,2%.

Băn khoăn độ tuổi phù hợp

Đóng góp vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới 8 năm. Trong khi, tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, cân nhắc mức tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, hiện vẫn thiếu cơ sở cho việc đề xuất độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58, nhất là khi tuổi thọ của phụ nữ hiện cao hơn nam giới. Hơn nữa, mục đích của tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết bình đẳng giới cho phụ nữ, nhằm tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam, nữ bằng nhau. Vì vậy, khi điều chỉnh, nhiều nước đang có tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam đã lựa chọn lộ trình thu hẹp dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu nữ và nam.

Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia trên thế giới là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam. Mặc dù còn có khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, nhưng đây là mốc tuổi mà các quốc gia trên thế giới cho rằng là “bình đẳng” về thể chất, sức khỏe, tâm lý mỗi giới, điều kiện kinh tế xã hội và tương thích với công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW).

Có thể thấy, việc đưa ra đề xuất mốc tuổi nghỉ hưu 60 với nữ và 62 với nam đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trên các căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, có tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới nhằm đạt được sự hài hòa, phù hợp với quy mô, chất lượng dân số và trình độ lao động cũng như các vấn đề xã hội khác.

Đỗ Quyên