Lai Châu thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị:

Từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển

- Thứ Năm, 01/08/2019, 08:05 - Chia sẻ
Ngày 31.7, Lai Châu tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1.7.2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định: Nghị quyết 37 đã đưa Lai Châu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

Thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị được ban hành năm 2004, đây là thời điểm Lai Châu vừa mới chia tách, thành lập với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi biên giới, nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao… Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, Lai Châu đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và kém phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 11,75%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng, tăng 12,7 lần so với năm 2004; sản lượng lương thực tăng nhanh, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 215 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 472kg/người/năm...


Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị Ảnh: Quý Trung

Để đạt được kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, Tỉnh ủy Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, học tập, tuyên truyền nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh; xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và tỉnh Lai Châu đến năm 2010. Năm 2013, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2015 và trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020” để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đánh giá, Lai Châu thực hiện tốt việc xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ giảm nghèo trung bình theo báo cáo của tỉnh  là 4 - 5%/năm - như vậy tương đối cao so với cả nước. Tuy nhiên trong số hộ nghèo, đồng bào dân tộc chiếm 99,1% cũng là vấn đề đáng suy nghĩ. Về phát triển công nghiệp của Lai Châu thời gian qua theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An chủ yếu là thủy điện. Đây cũng là định hướng lớn của Đảng và Chính phủ, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tận dụng nguồn tài nguyên. “Điều cần bàn ở đây là chúng ta phải phát triển cho bài bản và bền vững”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.

Xác định rõ lợi thế

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao các kết quả Lai Châu đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Việc Lai Châu đạt và vượt phần lớn các mục tiêu, chỉ số nêu trong nghị quyết thể hiện về cơ bản Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu thời gian qua, do điều kiện tự nhiên nên đến nay Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, tỉnh cần xác định thế mạnh, lợi thế của tỉnh và các địa phương lân cận để tận dụng, đầu tư cho phát triển kinh tế. Nghiên cứu cơ chế liên kết vùng với các địa phương lân cận trong trồng các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các mùa trong năm để tạo vùng nguyên liệu lớn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung phát triển kinh tế rừng và trồng một số loại cây ăn quả, dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục củng cố phát triển kinh tế hộ, những nơi có điều kiện hỗ trợ bà con tham gia sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, giai đoạn đầu đẩy mạnh vai trò lãnh đạo các cấp, trách nhiệm các sở ngành nghiên cứu hỗ trợ nhân dân cách thức sản xuất, đầu ra sản phẩm và liên kết với các địa phương khác. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo con em là đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn lực cho tỉnh; chú ý đến công tác dân tộc, tôn giáo để bảo đảm an ninh chính trị ngay từ cơ sở...

Trưởng ban Nguyễn Văn Bình đề nghị, cần nghiên cứu để nghị quyết mới tập trung tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh và địa phương trong vùng. Cơ chế chính sách mới cần tập trung vào những vấn đề trọng điểm, từ đó có các đột phá và lan tỏa, bảo đảm nguồn lực và tổ chức thực hiện tốt để đưa các chủ trương chính sách vào cuộc sống.  Thời gian tới, Lai Châu cần đặt trong tổng thể mối liên kết với vùng và cả nước để xác định được thế mạnh và các lợi thế so sánh của Lai Châu. Từ đó xác định được chỗ nào cần Trung ương hỗ trợ, chỗ nào tỉnh cần cố gắng và chủ động thực hiện.

Bên cạnh đó, các chủ trương của Đảng trong thời gian tới sẽ cố gắng để thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo; sao cho mọi người dân đều được bình đẳng tham gia và được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và giảm thiểu nguy cơ các vấn đề phức tạp nảy sinh. Do đó, tỉnh cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong phát triển hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm thời gian qua, trong đó đặc biệt lưu ý phát triển giáo dục vì đây chính là vấn đề cốt lõi của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Cần tập trung đào tạo các cấp, đặc biệt đào tạo nghề gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Trưởng ban Nguyễn Văn Bình đề nghị với các kết quả thành tựu đã đạt được, Lai Châu cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tận dụng được các tiềm năng, cơ hội, phát triển Lai Châu trở thành một vùng đất yên bình, môi trường trong sạch và đáng sống. 

Minh Hương