Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ tu

Từng bước hồi sinh

- Thứ Tư, 21/08/2019, 08:14 - Chia sẻ
Người Cơ Tu ở Quảng Nam còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa phong phú và đặc sắc, trong đó nghề dệt và trang phục cổ truyền được coi là di sản quý giá. Những năm gần đây, nghề dệt của đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhất là nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, và thực sự đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Tuy nhiên, nhờ sự chung tay của một vài doanh nghiệp, tinh hoa văn hóa của dân tộc Cơ Tu từng bước hồi sinh. Xin trích giới thiệu ý kiến của TS. Trần Tấn Vịnh tại Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới 2019 mới đây.

Nghề dệt thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc Cơ Tu. Mỗi sản phẩm dệt có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó như tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Sản phẩm dệt chẳng những là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc, mà còn mang giá trị thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của đồng bào.

Canh cánh nỗi lo thất truyền

Làng dệt Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) chỉ còn một vài hộ duy trì nghề trồng bông, dệt vải theo lối cổ truyền. Giống bông bản địa, còn gọi là “bông cỏ” bị mất vì không còn ai gieo trồng và giữ giống. Một vài nghệ nhân biết dệt thổ cẩm nhưng không có nguyên liệu bông vải để hành nghề. Cây thuốc nhuộm vải trong rừng dần dần cũng đi vào quên lãng.

Điều nghịch lý là nghề dệt của làng đã được đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, nhưng từ ngày được ghi nhận đến nay, bà con ở đây không nhận được sự quan tâm của chính quyền và ngành chức năng để tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản quý báu của dân tộc. Thợ dệt Công Dồn canh cánh nỗi lo di sản của dân tộc mình biến mất. Trong khi một số địa phương khác có sự thuận tiện về giao thông, phát triển dịch vụ du lịch, nghề dệt được duy trì, thì làng Công Dồn, nơi bắt nguồn, lưu giữ tinh hoa nghề dệt lại không được nhiều người biết đến, một phần do nằm biệt lập giữa rừng sâu gần giáp biên giới Việt - Lào.

Trước nguy cơ đó, một số cơ quan chức năng, đơn vị, doanh nghiệp tư nhân đã có những hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy di sản này. Huyện Nam Giang đã tổ chức hội thi dệt thổ cẩm trong khuôn khổ ngày hội, liên hoan cồng chiêng toàn huyện. Làng Bhà Hôôn, thôn Đhờ Rồng cũng duy trì nhóm dệt thổ cẩm, là sản phẩm quan trọng trong hoạt động du lịch. Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ quốc tế FIDR (Nhật Bản), thôn Zara, xã Tà Bhing đã hình thành hợp tác xã dệt thổ cẩm, thu hút nhiều thợ dệt trong làng.

Năm 2017, Làng Lụa Hội An tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới, đưa nghề dệt thổ cẩm vào chương trình hoạt động chính thức. Một số thợ dệt của làng Zara được mời tham gia trình diễn nghề dệt bên cạnh những thợ dệt Chăm đến từ Ninh Thuận, thợ dệt Mông đến từ Hà Giang... Năm 2018, một số thợ dệt cùng nhóm nghệ nhân diễn xướng dân gian dân tộc Cơ Tu huyện Đông Giang được tỉnh cử tham gia tổ chức Festival Văn hóa thổ cẩm Đắk Nông. Tuy nhiên, ngoại trừ việc hành nghề tự thân của đồng bào tại các làng dệt, các hoạt động nói trên chưa đủ để khắc phục nguy cơ mai một nghề thủ công truyền thống của đồng bào.


Nghệ nhân dân tộc Cơ Tu hướng dẫn dệt thổ cẩm tại Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam

Cơ hội phục hồi

Tưởng như di sản quý giá của làng Công Dồn sẽ biến mất nhưng may mắn lại đến một cách bất ngờ. Một số thợ dệt của làng Công Dồn được mời đến khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An để tham gia thực hành và trình diễn nghề dệt cho khách tham quan. Tại đây, 4 thợ dệt Cơ Tu là Pơ ling Muối, Zarâm Bằng, Tơngôl Ên và Thị Hiền hỗ trợ nhau về tay nghề, kinh nghiệm và cả bí quyết để gìn giữ di sản của chính dân tộc mình. Người dệt vải, người kéo sợi, người chế biến thuốc nhuộm, cùng với các nghệ nhân thuộc các ngành nghề khác tạo nên làng nghề sôi động tại “Đảo văn hóa dân gian”. Họ làm ra những sản phẩm đầu tiên mang hơi thở, sắc màu truyền thống.

Nhờ có nguồn bông vải tại chỗ, thuốc nhuộm màu, khung dệt truyền thống và những công cụ hỗ trợ như xa quay sợi, bật bông, tách hạt... các thợ dệt Cơ Tu thực hành một cách khéo léo, tự nhiên, chứ không phải mang tính chất biểu diễn. Một số bí quyết nghề dệt, canh cửi cũng đã được phát huy tại đây, như kỹ thuật nhuộm bao sợi (ikat). Điều đáng mừng là nhóm thợ dệt của làng đã tái hiện các sản phẩm có giá trị với hoa văn, sắc màu truyền thống đặc trưng tưởng đã thất truyền. Tiêu biểu là những tấm thổ cẩm có hoa văn gợn sóng, được xem là tinh hoa làm nên “thương hiệu” của làng dệt Công Dồn…

Với lợi thế về vốn, đất đai và kỹ thuật, Vinpearl Nam Hội An đã hình thành một vùng cây nguyên liệu ban đầu với diện tích 2ha để có thể duy trì lâu dài nghề dệt vải truyền thống. Cây bông vải được nơi đây ưu tiên phát triển. Mùa vụ đầu tiên năm nay, vườn bông sai trái, được thu hái và bảo quản để làm nguyên liệu cho làng nghề. Hạt giống đã được cấp phát cho đồng bào, nhất là làng Công Dồn, giúp đồng bào phục hồi nghề truyền thống tại làng. Đến nay 10 hộ dân ở làng Công Dồn đã trồng lại vườn bông trên nương rẫy của mình, vừa có nguyên liệu phục hồi nghề dệt, vừa thu hạt để nhân giống nối tiếp những mùa vụ sau.

Ngoài cây bông vải, tại khu vườn trồng cây nguyên liệu thuộc quần thể công trình Vinpearl Nam Hội An còn trồng nhiều giống cây nguyên liệu khác, đặc biệt là các loại cây có thể khai thác để chiết xuất thành thuốc nhuộm vải như cây ta râm, cây a ngoăn mrớt, cây củ nâu…

Những hoạt động bảo tồn, phát huy làng nghề nói chung, nghề dệt thổ cẩm nói riêng tại khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An đã mở ra cơ hội cho việc phục hồi nghề dệt, tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa xứ Quảng. Đặc biệt, khi Đề án “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số” được thực hiện thì sẽ tạo cơ hội thuận lợi, có nguồn lực để cứu nguy và phục hồi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu.

TS. Trần Tấn Vịnh