Từ thí điểm tới nhân rộng

- Thứ Bảy, 23/11/2019, 08:07 - Chia sẻ
Việc kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (phạm vi đến cấp phường/xã) với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành BHXH (phạm vi đến cấp quận/huyện) là một bước tiến lớn trong công tác kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đó là khẳng định được đưa ra tại Lễ khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Thí điểm thành công

Đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong ưu tiên triển khai tạo nền tảng Chính phủ điện tử, sau 3 năm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoàn thiện cơ sở dữ liệu của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT),  bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cơ sở dữ liệu này gồm thông tin BHXH Việt Nam đang quản lý của 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 13,11 triệu người tham gia BHTN và 85,24 triệu người tham gia BHYT. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH còn quản lý thông tin của 3,6 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp trợ cấp hàng tháng, thông tin khám chữa bệnh BHYT (trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt khám, chữa bệnh).


Toàn cảnh Lễ khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua hệ thống NGSP

Để khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm việc kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để liên thông việc đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Sau hơn 1 tháng thực hiện thí điểm liên thông dữ liệu (từ 20.10.2019) tại 13 tỉnh, thành phố đã có hơn 15.000 trường hợp trẻ em được liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT.

Là một trong những địa phương thực hiện thí điểm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai Vương Trinh Quốc cho biết, sau một tháng triển khai, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 200 trẻ em được cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT qua hình thức này, giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi lớn cho người dân, nhất là ở những thôn bản xa trung tâm, không phải đi lại, chờ đợi lâu để giải quyết các thủ tục liên quan trong lĩnh vực này.

Được biết, với quy trình trước đây, người dân đến làm khai sinh cho con tại UBND xã. Sau đó, UBND xã mới lập hồ sơ chuyển cơ quan liên quan gồm cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Công an và BHXH huyện qua đường bưu điện để tiến hành cấp giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ BHYT. Đến nay, với Hệ thống liên thông dữ liệu, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính xã chỉ cần lập hồ sơ trên hệ thống và chuyển ngay đến các cơ quan liên quan. Điều này giúp thông tin đồng bộ giữa các cơ quan; tốc độ nhanh (do không phải phụ thuộc vào bưu điện, bộ phận văn thư…) và thuận tiện cho việc trao đổi, giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, chính xác.

Bước tiến lớn trong kết nối liên thông

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trên cả nước hàng ngày có khoảng 8.000 hồ sơ khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi phát sinh mới, chiếm hơn 1% số giao dịch hành chính công giữa công dân với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Với 8.000 hồ sơ phát sinh mới mỗi ngày này có thể nhanh chóng chuyển sang BHXH để cấp thẻ BHYT sau khi liên thông cơ sở dữ liệu.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Hệ thống NGSP để liên thông việc đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi là khởi đầu có ý nghĩa to lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tối đa cho người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ của cơ quan nhà nước, góp phần phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam. Dự kiến đến hết năm 2019, hệ thống này sẽ được triển khai đến tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, có được những thành công này phải kể đến sự nỗ lực, tiên phong của BHXH Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về BHXH với quy mô toàn dân số, được cập nhật, rà soát liên tục.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nhìn thì tưởng dễ nhưng thực tế rất khó. Cái khó đầu tiên là cần phải làm một cơ sở dữ liệu cực kỳ chính xác, theo đúng các trường thông tin. Điều quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu này phải luôn được sống, được cập nhật, nếu không chỉ 3 - 5 tháng, cơ sở dữ liệu này sẽ không chính xác, ảnh hưởng đến việc xác thực và làm mã định danh cho công dân và như vậy sẽ không thể xây dựng được Chính phủ điện tử. Sau khi làm xong cơ sở dữ liệu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn ý thức được việc cập nhật, bổ sung để bảo đảm cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác nhất” - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, thời gian tới, dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu của BHXH Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu triển khai 2 dịch vụ quan trọng là VietInfo là dịch vụ cho phép người dân quản lý, cập nhật bổ sung và sử dụng dữ liệu cá nhân của mình để thực hiện các giao dịch trực tuyến đơn giản và thuận lợi hơn; dịch vụ kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế quản lý hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử, quản lý, phân tích số liệu ngành y tế. 

Dương Cầm